Hotline: 0908 789 326
Dang tin mien phi
Hỗ Trợ 01
Yahoo Messenger!
Hỗ Trợ 02

Đăng ký nhận thông tin mới

Tổng quan về tỉnh Bình Định

1. GIỚI THIỆU CHUNG

Bình Định là tỉnh thuộc vùng văn hóa Nam Trung Bộ và là một trong bảy tỉnh thuộc Vùng duyên hải miền Trung. Cùng với Đà Nẵng và Huế, Bình Định là một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

1.1. Bộ máy lãnh đạo (Nhiệm kỳ 2011 - 2015)

- Ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư tỉnh ủy.

- Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

- Ông Lê Hữu Lộc, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

1.2. Địa lý hành chính

Bình Định có tổng diện tích tự nhiên 6.050km2, phía bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía nam giáp tỉnh Phú Yên, phía tây giáp tỉnh Gia Lai, phía đông tiếp cận với biển Đông, cách Hà Nội 1.065km về phía bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 686km về phía nam. Nằm ở trung tâm của trục bắc - nam (trên cả 3 tuyến quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt và đường hàng không nội địa), Bình Định là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, nam Lào, đông bắc Campuchia và Thái Lan (bằng cảng biển quốc tế Quy Nhơn và quốc lộ 19).

Về đơn vị hành chính, tỉnh Bình Định gồm 1 thành phố loại I trực thuộc tỉnh (Quy Nhơn) và 10 huyện (An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước). Toàn tỉnh có 129 xã, 14 thị trấn, 16 phường.

1.3. Dân số, dân cư

Dân số tỉnh Bình Định vào khoảng 1.489.700 người (theo số liệu thống kê năm 2010), trong đó nam là 726.600 người, chiếm tỉ lệ 48,7%; nữ là 763.100 người, chiếm tỉ lệ 51,3%. Mật độ dân số trung bình của Bình Định là 246,2 người/km2. Trong các cư dân đang sinh sống trên địa bàn tỉnh thì ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn có các dân tộc khác nhưng chỉ với tỷ lệ nhỏ, chủ yếu là người Chăm, Ba Na và Hrê.

1.4. Tiềm năng, lợi thế nổi bật

Ảnh 1. Bãi biển Nhơn Hội

Bình Định có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa thích hợp cho phát triển cây trồng nhiệt đới. Nhiệt độ trung bình năm từ 26 - 280C. Lượng mưa trung bình năm từ 1.300 - 2.700mm. Bình Định có các sông lớn như: sông Kôn, sông Lại Giang, sông La Tinh, sông Hà Thanh và nhiều sông suối thuận lợi cho phát triển thủy lợi, thủy điện và cung cấp nước sinh hoạt.

Bình Định không giàu về tài nguyên khoáng sản nhưng có một số khoáng sản có giá trị như đá xây dựng, quặng titan, nước suối khoáng, cao lanh, cát trắng. Trong đó, đáng chú ý nhất là đá Granite với trữ lượng khoảng 500 triệu m3, có nhiều màu sắc: đỏ, đen, vàng…, sa khoáng ilmenite ở Phù Cát, cát trắng ở Hoài Nhơn. Nhiều điểm nước khoáng được đánh giá có chất lượng cao đã và đang được đưa vào khai thác sản xuất nước giải khát, chữa bệnh. Riêng điểm nước khoáng Hội Vân có thể xây dựng nhà máy điện địa nhiệt. Ngoài ra còn có các điểm quặng vàng ở Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn.

Bình Định còn được thiên nhiên ưu đãi một bờ biển dài 134km, với nhiều cửa biển: Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan và hơn 7.600 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy hải sản xuất khẩu. Hệ sinh thái biển Bình Định thích hợp cho nhiều loại hải sản có giá trị cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. 

Bình Định có một tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, hội tụ đầy đủ núi, sông, biển, đầm, hồ, hải đảo, đồng ruộng, làng quê và lễ hội mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Nơi đây là vùng địa linh nhân kiệt, có nền văn hóa lâu đời, cái nôi của nghệ thuật tuồng, là quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, là kinh đô của vương quốc Champa ngày xưa, giờ đây vẫn còn để lại nhiều di tích lịch sử văn hóa (LSVH) với hệ thống tháp Chàm được đánh giá vào loại đẹp nhất của Việt Nam.

2. ĐẤT NƯỚC - CON NGƯỜI

2.1. Lược sử hình thành và phát triển

Ảnh 2. Tượng đài Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ

Bình Định có một mạch nguồn văn hóa rất xa xưa từ nền văn hóa Sa Huỳnh - Truông Xe. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa Bình Định vừa lan tỏa, vừa tiếp nhận những giá trị của nền văn hóa khác để bồi đắp, làm phong phú cho mình.

Bình Định xưa là đất thuộc Việt Thường Thị và nền văn hóa Sa Huỳnh, sau đó người Chăm đã tới chiếm lĩnh vùng đất này. Đến đời nhà Tần xứ này là huyện Lâm Ấp thuộc Tượng Quận, đời nhà Hán là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam. Năm 192, một người trong quận Nhật Nam là Khu Liên đã nổi dậy, đánh đuổi qian cai trị người Hán, giành chính quyền, lập ra nước Lâm Ấp (Linyi), tự xưng là Lâm Ấp vương. Đời nhà Tùy (605) dẹp Lâm Ấp đặt tên là Xung Châu, sau đó lại lấy tên cũ là Lâm Ấp. Đời nhà Đường, năm 627 đổi tên là Lâm Châu. Năm 803, nhà Đường bỏ đất này và nước Chiêm Thành của người Chăm ra đời, đất này được đổi là Đồ Bàn, Thị Nại.

Đời nhà Lê năm Hồng Đức thứ 2 (1471) vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, tiến đến tận núi Thạch Bi, chiếm đất này, và chia thành 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn, nhập vào phủ Hoài Nhơn thuộc thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1602 chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn thành Phủ Quy Nhơn thuộc dinh Quảng Nam. Năm 1651, chúa Nguyễn Phúc Tần, đã đổi tên phủ Quy Nhơn thành phủ Quy Ninh. Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy lại tên cũ là Quy Nhơn. Từ 1773 đến 1797, nhà Tây Sơn chiếm cứ đất này, sau khi lấy lại đất này Nguyễn Ánh đổi tên đất này là dinh Bình Định, năm 1808 đổi dinh Bình Định thành trấn Bình Định Năm 1832, Bình Định và Phú Yên thành liên tỉnh Bình Phú, sau đó bỏ liên tỉnh này.

Năm 1890, thực dân Pháp sáp nhập thêm Phú Yên vào tỉnh Bình Định thành tỉnh Bình Phú, tỉnh lỵ là Quy Nhơn. Nhưng đến năm 1899, Phú Yên tách ra khỏi Bình Phú. Năm 1913, thực dân Pháp lại sáp nhập Phú Yên vào Bình Định thành tỉnh Bình Phú và thành lập tỉnh Kontum làm tỉnh riêng. Năm 1921, thực dân Pháp cắt tỉnh Phú Yên ra khỏi tỉnh Bình Định. Tỉnh Bình Định tồn tại cho đến tháng 11.1975 thì sáp nhập với tỉnh Quảng Ngãi thành tỉnh Nghĩa Bình. Năm 1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi như cũ.

2.2. Nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa

Miền đất được mệnh danh “đất võ, trời văn” ấy từ bao đời nay đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng nên không biết bao nhiêu vị anh hùng, danh nhân của dân tộc. Từ người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ thời Tây Sơn, đến những người con anh hùng, xả thân vì quê hương, đất nước trong thời cận đại như Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ… Cùng với truyền thống kiên cường bất khuất, anh hùng, nghĩa hiệp, Bình Định còn là nơi sản sinh ra những con người kiệt xuất, những danh nhân văn hóa lẫy lừng tiếng tăm như Đào Duy Từ, nghệ sĩ - nhà soạn tuồng Đào Tấn… là nơi nuôi dưỡng tài năng và tạo nguồn xúc cảm cho những thi nhân mà tên tuổi và tác phẩm của họ đã trở thành những mốc son trong lịch sử thi ca như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Yến Lan, Chế Lan Viên…

2.3. Di sản văn hóa

2.3.1. Văn hóa vật thể

* Di tích lịch sử văn hóa

Theo thống kê chưa đầy đủ, Bình Định hiện có 150 di tích lịch sử văn hóa (LSVH) và danh thắng đã được quy hoạch. Đến cuối năm 2003 có 29 di tích LSVH đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng, khoảng 50 di tích LSVH đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Các di tích, danh thắng còn lại đang được khảo sát, xây dựng hồ sơ để xác định mức độ giá trị của từng di tích, ứng với cấp nào thì cấp đó công nhận.

 Các di tích LSVH ở tỉnh Bình Định bao gồm các nhóm: di tích văn hóa Champa; di tích lịch sử và cách mạng thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ… Trong đó, có các di tích tiêu biểu như: Di tích đền thờ 3 anh em Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ); các di tích văn hóa Champa như: tháp Bánh ít, tháp Đôi, tháp Cánh Tiên, cụm tháp Dương Long; căn cứ Núi Bà; chùa Linh Phong…

Ảnh 3. Tháp Đôi

* Danh thắng

Bình Định còn được người ta biết đến với nhiều bãi biển đẹp, nước trong cát trắng lấp lánh ánh vàng. Đến Bình Định du khách sẽ có cơ hội đắm mình trong làn nước trong xanh của một trong những bãi biển đẹp nhất Nam Trung Bộ, như bãi biển Cát Hải, hay thả hồn phiêu du với phong cảnh hữu tình và không khí mát lạnh nơi chân đồi Ghềnh Ráng, hay ghé thăm đầm Thị Nại - Phương Mai vào mỗi buổi ban mai hay những tối trăng tròn để thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây.

Bình Định còn có những suối khoáng nóng rất thú vị, trong đó, nổi tiếng nhất là suối khoáng Hội Vân. Hội Vân vừa là nơi có cảnh đẹp thanh tao, kỳ ảo vừa là một suối khoáng nóng có giá trị đối với việc điều dưỡng chữa các bệnh như thấp khớp, tim mạch, các bệnh ngoài da... Tương truyền đây là suối nước mà thần tiên đã ban cho một công nương trong hoàng tộc Champa để chữa bệnh, vì vậy mà con suối này còn có tên gọi là suối Tiên…

2.3.1. Văn hóa vật thể

* Lễ hội

Lễ hội ở Bình Định rất phong phú, là vốn văn hóa tinh thần đặc sắc của nhân dân Bình Định và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Lễ hội còn là đặc sản văn hóa độc đáo để Bình Định giới thiệu bản sắc văn hóa của mình ra bên ngoài. Ngoài các lễ hội truyền thống như lễ cầu ngư, lễ tá thổ, lễ cầu mùa… của người Kinh và các lễ hội truyền thống của ba dân tộc thiểu số: Bana, Chăm, H’re sống trên quê hương Bình Định, hiện nay còn có các lễ hội nhằm phục vụ các nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân và thu hút du lịch như: lễ hội chiến thắng Đống Đa, lễ hội văn hóa thể thao miền núi, lễ hội văn hóa thể thao miền biển…

Ảnh 4. Festival Tây Sơn Bình Định

* Nghề và làng nghề truyền thống

Bình Định cũng là nơi có nhiều nghề và làng nghề thủ công truyền thống, như: nghề làm gốm, nổi danh với gốm Gò Sành, có niên đại từ thời kỳ Champa (thế kỷ XIV -XV), nghề rèn… Ngày nay, nhiều nghề và làng nghề truyền thống vẫn còn duy trì hoạt động như: nghề làm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ ở Nhơn Hậu (Đập Đá, An Nhơn), nghề làm nón (Phù Cát), nghề nấu rượu ở Bàu Đá (Nhơn Lộc, An Nhơn), nghề làm bánh tráng, phổ biến ở hầu hết các vùng trong tỉnh. Du khách khi đến tham quan sẽ được tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất tinh vi với tay nghề điêu luyện khéo léo của người lao động làm ra những sản phẩm vừa mang đậm nét văn hóa dân gian, vừa có tính nghệ thuật cao, đồng thời là những sản phẩm lưu niệm độc đáo, có giá trị cho khách tham quan du lịch.

* Ẩm thực

Bình Định cũng là nơi có vốn văn hóa ẩm thực đặc sắc, độc đáo. Bình Định còn là quê hương của cá, tôm, cua, ghẹ, ốc, hàu... Vì thế mà vùng đất này nổi danh với món cá nướng và gỏi cá, chế biến từ những con cá mú, cá hồng to tướng và tươi rói. Dân vùng biển khoái ăn cơm với cá ngừ kho ngọt hay chả cá thu hấp (chả cá Đề Gi). Vắng cơm thì có: bánh canh chả cá; cháo cá rựa; cháo hàu; cháo cua huỳnh đế; bún tôm Mỹ Lợi… thay thế. Nhậu lai rai thì có: cá mú hấp, da cá mú bông rang vàng, cá chua nướng lá chuối chấm muối ớt tươi hay nem nướng Chợ Huyện. Dân miệt đồng thì khoái món gỏi chình đầm Châu Trúc, cá chạch tre Bàu Sấu kho sả nghệ, chim mía Phú Phong nướng hoặc quay. Dân vùng cao thích món gié bò Tây Sơn hay món nhộng ong vò vẽ xào với măng non hay nấu cháo. Hè về, người Bình Định ăn sứa xúc bánh tráng hay sứa nước lèo; đông sang có bánh xèo Quy Nhơn; Tết đến thì không thể vắng món thịt bò thưng. Bình Định cũng là quê hương của bánh hỏi: dân dã thì ăn bánh hỏi với lá hẹ, nước chấm đủ vị chua, cay, mặn ngọt; sang trọng thì có bánh hỏi chả giò, bánh hỏi lòng heo, bánh hỏi thịt nướng, bánh hỏi chạo tôm, bánh hỏi tôm càng, bánh hỏi thịt bò nướng, bánh hỏi bò lụi, bánh hỏi gà lụi... Dưa, mắm cũng là đặc sản của đất võ. Dưa thì có: dưa cải xổi, dưa cải trường, dưa môn, dưa măng, dưa đu đủ, dưa hồng, dưa chuối chát…, nhưng ngon nhất vẫn là dưa kiệu Phù Mỹ. Mắm thì có mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn, mắm cá thu Tam Quan, mắm cua đồng kho với nấm mối, trộn với thịt cá chạch nướng tươi xé nhỏ thành một thứ nước sền sệt để chấm đọt lang luộc.

3. NHỮNG THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI

3.1. GDP

Tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh Bình Định tăng bình quân 10,7%/năm. Trong đó các ngành thuộc khu vực công nghiệp - xây dựng 15,2%, nông - lâm - ngư nghiệp tăng 7,1% và dịch vụ tăng 11,2%. GDP bình quân/người tăng từ 219,7 USD năm 2000 lên 401 USD năm 2005 và 901 USD vào năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2000 có cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là 42,2% - 22,8% - 35%, đến năm 2005 có tỷ trọng tương ứng là 38,4% - 26,7% - 34,9% và năm 2010 là: 35% - 27,4% - 37,6%. 9 tháng đầu năm 2011, tổng sản phẩm địa phương ước đạt 7.954,4 tỉ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 4,13%; công nghiệp và xây dựng tăng 14,2%; dịch vụ tăng 13,91%.

3.2. Tổng vốn thu hút đầu tư

Trong các năm 2006 - 2010, tỉnh đã huy động vốn đầu tư khoảng 37,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,2% GDP.

- Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Hiện nay, Bình Định có 38 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 636 triệu USD. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2011, UBND tỉnh Bình Định đã cấp chứng nhận đầu tư cho 02 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 3,2 triệu USD. Nhìn chung, do tình hình kinh tế thế giới gặp khó khăn nên thu hút FDI vào tỉnh giảm đáng kể, chưa có dự án qui mô lớn được cấp phép, nhất là trong Khu kinh tế Nhơn Hội.

- Về đầu tư trong nước: Trong 9 tháng đầu năm 2011, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 28 dự án với tổng số vốn trên 2.685,7 tỷ đồng.

3.3. Kim ngạch xuất nhập khẩu

Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh bình quân tăng 10,2%/năm. 9 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 304,6 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ, một số mặt hàng xuất khẩu tăng như: cà phê tăng 298,7%, gạo tăng 8,5%, hàng dệt may tăng 38,7%, khoáng sản tăng 9,8%, dăm gỗ tăng 23,9%, hàng thủy sản tăng 3,7%...  song có một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: sản phẩm bằng gỗ giảm 6,8%, giày dép các loại giảm 2,9%, thuốc tây các loại giảm 5,2%. Giá trị nhập khẩu ước đạt 93,8 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ; trong 9 tháng, các đơn vị tập trung nhập khẩu nguyên phụ liệu, vật tư phục vụ sản xuất như nhập khẩu gỗ nguyên liệu chiếm 35,4%; phân bón chiếm 19,8% và thực phẩm chế biến chiếm  11,5%. Nhập khẩu hàng hóa ở thành phố Quy Nhơn chiếm 93,2% tổng số, giảm 1,8% so với cùng kỳ.

3.4. Lượng khách du lịch


Ảnh 5: Khu du lịch Gềnh Ráng

Hoạt động du lịch của Bình Định cũng hết sức sôi động. Số khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Bình Định ngày càng tăng, từ mức 347.590 lượt khách trong năm 2005 lên 449.763 lượt khách trong năm 2010. Trong đó, khách quốc tế tăng từ 23.986 lượt khách năm 2005 lên 35.095 lượt khách trong năm 2010. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, lượng khách đến tỉnh trong 9 tháng ước đạt 897.396 lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ (trong đó, khách quốc tế 73.187 lượt người, tăng 15%). Doanh thu du lịch thuần tuý ước đạt 298 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh nối kết tour du lịch với các tỉnh trong và ngoài nước.

3.5. Khu kinh tế, khu công nghiệp

* Khu kinh tế Nhơn Hội

Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội có diện tích 12.000 ha, nằm sát thành phố Quy Nhơn với những dự án quy mô lớn. Thành lập ngày 14.6.2005, KKT Nhơn Hội được xây dựng và phát triển thành KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có quy chế hoạt động riêng, bao gồm 02 khu chức năng chính: khu phi thuế quan (có diện tích 530 ha, được chia ra nhiều phân khu chức năng, gồm có: khu cảng và hậu cần cảng, khu trung tâm điều hành, giao dịch và hành chính, khu sản xuất cho các xí nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu, khu kho tàng để lưu giữ hàng hóa và trung chuyển) và khu thuế quan (bao gồm khu công nghiệp 1.324 ha, khu phong điện 283 ha, khu đô thị mới 650 ha, khu cảng tổng hợp 120 ha, khu hậu cảng 51 ha, còn lại là các khu du lịch sinh thái biển, đầm, lịch sử, tâm linh...). Hiện nay, KKT Nhơn Hội đã thu hút được 29 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 21.631,19 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 370,72 triệu USD.

* Các khu công nghiệp

Theo quy hoạch được phê duyệt đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 8 KCN (chưa tính các KCN trong KKT Nhơn Hội) với tổng diện tích quy hoạch là 1.761 ha, gồm: KCN Phú Tài, KCN Long Mỹ, KCN Nhơn Hòa, KCN Hòa Hội, KCN Cát Trinh, KCN Cát Khánh, KCN Bồng Sơn, KCN Bình Nghi - Nhơn Tân, KCN Bình Long. Trong đó, KCN Phú Tài (348 ha) và Long Mỹ (110 ha) đã lấp đầy trên 90% diện tích; KCN Nhơn Hòa (272 ha) và KCN Hòa Hội (275 ha) đang trong giai đoạn triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Lĩnh vực đầu tư chủ yếu thu hút vào các KCN gồm sản xuất thiết bị điện, điện tử, cơ khí chế tạo, sản phẩm thép, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến đá các loại, chế biến nông lâm sản và một số ngành công nghiệp khác.

Địa điểm các KCN khá thuận lợi, nằm cạnh các trục quốc lộ quan trọng (QL 1A và QL 19), cự ly đến cảng quốc tế Quy Nhơn thay đổi theo từng KCN nhưng xa nhất không quá 40 km và gần nhất chỉ 12 km. Chỉ riêng 2 KCN Phú Tài và Long Mỹ đã thu hút trên 120 doanh nghiệp vào đầu tư, trong đó có 3 doanh nghiệp FDI, đóng góp trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh, thu hút trên 20.000 công nhân vào làm việc.

Ngoài ra, KCN Nhơn Hòa, diện tích 272 ha, đang san lấp nền và xây dựng hạ tầng, đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư với diện tích khoảng 30% diện tích thuê; KCN Hòa Hội, diện tích 265ha, đã khởi công xây dựng hạ tầng, đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư với diện tích khoảng 20% diện tích thuê. Các KCN còn lại đang tiến hành lập quy hoạch chi tiết.

* Các cụm công nghiệp

Bình Định đã và đang hình thành 37 cụm công nghiệp (CCN), có tổng diện tích 1.519,37 ha với các ngành nghề chủ yếu: chế biến lương thực thực phẩm, chế biến gỗ, cơ khí nhỏ, sản xuất gạch ngói, hàng tiêu dùng... Đến nay, đã có 11 CCN đi vào hoạt động và thu hút đầu tư lấp đầy 70 - 100% diện tích, 10 cụm còn lại đang xây dựng hạ tầng song song với việc giao mặt bằng cho doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng và tổ chức sản xuất. Các CCN đã thu hút 436 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ đầu tư, được giao đất xây dựng nhà xưởng sản xuất diện tích 221 ha với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.230 tỷ đồng (suất đầu tư đạt 6 tỷ đồng/ha), vốn thực hiện 843 tỷ đồng (đạt 68,5% so tổng vốn đăng ký); đã có 397 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đi vào hoạt động. Các cơ sở sản xuất trong các CCN đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tạo việc làm cho gần 11.000 lao động.

3.6. Các ngành kinh tế mũi nhọn

Về công nghiệp, hiện nay, Bình Định đang tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội trở thành một là trung tâm và động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định và của khu vực miền Trung. Đến với Khu kinh tế này, các doanh nghiệp có thể đầu tư quy mô lớn vào các ngành kinh tế mũi nhọn và công nghệ cao như xây dựng cảng biển nước sâu, đóng mới và sửa chữa tàu biển, lọc và hoá dầu, sản xuất lắp ráp đồ điện, điện tử, sản xuất điện, phát triển du lịch, dịch vụ hàng hải, thương mại, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông... đồng thời có thể lựa chọn đầu tư trong khu thuế quan, khu chế xuất hoặc khu phi thuế quan.

Du lịch cũng là một ngành đang được Bình Định tập trung đầu tư phát triển. Thời gian qua, bên cạnh việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, Bình Định còn đặc biệt chú trọng đến công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, kể cả đầu tư gián tiếp lẫn đầu tư trực tiếp. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút, hấp dẫn khách tham quan du lịch đến tỉnh ngày càng tăng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch. Tình hình tăng trưởng lượng khách du lịch, doanh thu, các hoạt động đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng tăng trưởng đã chứng minh được vai trò, hiệu quả của hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch ở Bình Định. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh đạt 23%/năm, tăng trưởng doanh thu du lịch đạt 24 %/năm. Mục tiêu của ngành du lịch tỉnh đến năm 2020 là phát triển nhanh và bền vững để đưa ngành du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu chung của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Bình Định theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng với vai trò là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

    3.7. Hợp tác đầu tư

Ảnh 6. Cầu Thị Nại

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Định có khoảng 71 dự án đang mời gọi đầu tư, 19 dự án mời gọi đầu tư vốn ODA và khoảng 38 dự án FDI đã được cấp phép. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2011 - 2012 theo các hình thức hợp đồng: xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO) và xây dựng - chuyển giao (BT) trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo đó, danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BTO và BT năm 2011 - 2012 gồm 8 dự án với tổng vốn gọi đầu tư 9.826 tỷ đồng. Trong đó, có 2 dự án lớn là dự án Đường ven biển (8.000 tỷ đồng) và dự án Đường từ ngã 3 Long Vân đến ngã 4 Long Mỹ (1.000 tỷ đồng).

Bên cạnh việc hợp tác với các tỉnh trong nước như: Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bình Định còn hợp một số tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào như: tỉnh Sekong, tỉnh Salavan, tỉnh Attapu và tỉnh Champasak.

3.8. Quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh Bình Định đến năm 2020

Ngày 14.04.2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 54/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Bình Định đến năm 2020.

Theo quy hoạch thì định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm đến sẽ là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, trước hết trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế; tạo bước chuyển về quy mô, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao năng lực sử dụng công nghệ tiên tiến và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; phát triển nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế; giải quyết tốt hơn các vấn đề bức xúc của xã hội; cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề cần thiết cho các bước tiếp theo. Cụ thể:

3.8.1. Giai đoạn 2011 - 2015

* Về kinh tế

Tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP hằng năm là 13-14%, trong đó khu vực nông - lâm - ngư - nghiệp tăng 6,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 19,6% (riêng công nghiệp tăng 20,7%) và khu vực dịch vụ tăng 12,7%. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 2.000 USD. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế để đến năm 2015, tỷ trọng các ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm khoảng 26,2%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36,1% và khu vực dịch vụ chiếm khoảng 37,7%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm 2011 - 2015 đạt 2 tỷ 800 triệu USD. Tăng nhanh đầu tư toàn xã hội, giải quyết tốt tích lũy và tiêu dùng, thu hút mạnh các nguồn vốn từ bên ngoài. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 43% GDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 40% vào năm 2015. Triển khai xây dựng 20% số xã theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

* Về xã hội

Phấn đấu đến năm 2015 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề lên 55%. Mỗi năm giải quyết 25.000 - 30.000 việc làm mới cho người lao động. Cơ cấu lao động xã hội vào năm 2015 theo hướng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 52%; công nghiệp - xây dựng: 23%; dịch vụ: 25%. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 17%. Phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 1,8 - 2%. Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đời sống cũng như sản xuất nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như bảo vệ môi trường.

3.8.2. Giai đoạn 2016 - 2020

* Về kinh tế

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 16,5%/năm. Đến năm 2020, nâng GDP bình quân đầu người lên mức 4.000 USD. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế sẽ theo mô hình 43,0% công nghiệp - xây dựng - 16,0% nông, lâm, ngư nghiệp - 41,0% dịch vụ. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 1,4 tỷ USD.

* Về xã hội

Phấn đấu đến năm 2020 sẽ không còn hộ nghèo, đảm bảo 100% người dân được sử dụng nước sạch. Tiếp tục giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 5% vào năm 2020.

3.8.3. Chủ trương, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực

* Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

- Tập trung đầu tư, đẩy nhanh phát triển KKT Nhơn Hội nhằm tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về nguồn nguyên liệu theo hướng tăng tỷ trọng những mặt hàng tinh chế như: chế biến thủy hải súc sản, chế biến gỗ, bột giấy và lâm sản, chế biến nông sản, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất dược phẩm…;

- Từng bước gia tăng các sản phẩm công nghiệp mới, sản phẩm công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như: điện - điện tử, hóa dầu, công nghiệp năng lượng (nhiệt điện, phong điện, thủy điện vừa và nhỏ), công nghiệp cảng biển, cơ khí...;

- Phát triển một số ngành công nghiệp khác ở nông thôn nhằm giải quyết lao động tại chỗ, nâng cao thu nhập vùng nông thôn; đồng thời khôi phục một số làng nghề, mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống.

* Nông, lâm nghiệp

- Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng gắn với sản xuất hàng hóa, sản xuất xuất khẩu; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở đầu tư mạnh về khâu giống; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ năng lực đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn;

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Tập trung chuyển đổi đất sản xuất 3 vụ lúa/năm sang sản xuất 2 vụ lúa/năm ở một số vùng sản xuất 3 vụ bấp bênh do thời tiết. Hình thành, ổn định thâm canh, tăng năng suất các vùng nguyên liệu: mía (4.400 ha), mì (4.400 ha), cây điều, cao su, cây nguyên liệu giấy... đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy chế biến;

- Phát triển chăn nuôi dưới hình thức tập trung, công nghiệp; trang trại bố trí xa khu dân cư với quy mô đàn hợp lý. Nâng cao chất lượng con giống, đa dạng hóa sản phẩm; phát triển đàn bò đến 2020 là 400.000 con, cơ bản là bò lai; đàn lợn 1 triệu con với tỷ lệ lai 98% năm 2020;

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng gồm giao thông, điện, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, mạng lưới chợ và các dịch vụ khác cho khu vực nông nghiệp và vùng nông thôn. Hình thành vành đai nông nghiệp phục vụ thành phố Quy Nhơn, các thị xã, các khu và cụm công nghiệp;

- Đẩy mạnh trồng rừng tập trung, phấn đấu trung bình mỗi năm trồng được 5.000 - 6.000 ha.

* Thủy sản

- Tổng sản lượng đánh bắt đến giai đoạn từ năm 2015 - 2020 ổn định 150.000 tấn/năm. Đóng mới và trang bị đồng bộ đội tàu câu cá ngừ đại dương hiện đại có công suất 150 - 600 CV để tăng sản lượng đánh bắt xa bờ, hạn chế tàu đánh bắt cá ven bờ;

- Phấn đấu sản lượng tôm và thủy đặc sản nuôi đến năm 2015 đạt 6.500 tấn/năm và năm 2020 đạt 10.000 tấn/năm. Đa dạng hóa trong nuôi trồng thủy sản cả nước mặn, nước lợ và nước ngọt; đồng thời, chú trọng các giải pháp để gắn nâng cao hiệu quả sản xuất với bảo vệ môi trường;

- Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; hoàn thành xây dựng các cảng cá: Quy Nhơn, Tam Quan, Đề Gi.

* Hoạt động xuất khẩu, du lịch và dịch vụ

- Về xuất khẩu: Phát triển các nhóm hàng xuất khẩu chiến lược như: thủy hải sản, đồ gỗ tinh chế, khoáng sản, may mặc, giầy dép, thủ công mỹ nghệ... theo hướng hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng tỷ trọng hàng tinh chế và từng bước sản xuất các sản phẩm xuất khẩu cao cấp.

- Về du lịch: Phấn đấu đến năm 2020, đạt khoảng 2 triệu lượt khách/năm (khách quốc tế 25%). Tiến hành quy hoạch về không gian các tuyến, các khu, cụm, điểm du lịch và chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của Tỉnh. Có chính sách khuyến kích đầu tư để thu hút các công ty du lịch lớn của quốc gia và quốc tế đến đầu tư vào các điểm du lịch trên tuyến Phương Mai - Núi Bà nhằm sớm hình thành tuyến du lịch trọng điểm quốc gia.

- Về dịch vụ: Phát triển các ngành dịch vụ: tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính viễn thông, tư vấn; phát triển hệ thống chợ, kết hợp giữa chợ hiện có với xây dựng thêm các chợ mới, chợ đầu mối.

Hy vọng với những tiềm năng đa dạng, cùng với tinh thần hợp tác tích cực và những chính sách cởi mở, thông thoáng, ưu đãi và hỗ trợ thiết thực, coi lợi ích và thành công của nhà đầu tư là lợi ích và thành công của chính mình, Bình Định sẽ tiếp tục vươn lên, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày một giàu và đẹp hơn.


Theo  http://binhdinh.vietccr.vn


Các tin khác
Tổng Quan Về Tỉnh An Giang
Tổng quan về Bạc Liêu
Tổng Quan Về Bắc Kạn
Tổng quan về Bắc Giang
Tổng Quan Về Bến Tre
Tổng quan về Bình Phước
Tổng Quan Về Cà Mau
Tổng Quan Về Cao Bằng
Tổng quan về Đà Nẵng
Tổng Quan Về Đắk Lắk
Tổng Quan Về Đồng Nai
Tổng Quan Về Đồng Tháp
Tổng Quan Về Gia Lai
Tổng Quan Về Hậu Giang
Tổng Quan Về Khánh Hòa
Quay trở về    Đầu trang
Góc sản phẩm

Thiết bị điện - Bán các thiết bị điện công nghiệp với giá rẻ nhất Việt Nam, hàng tồn kho cấn bán gấp

Giá Bán
VNĐ
Giá Gốc
VNĐ

Bàn ghế inox | ban ghe inox

Giá Bán
5.400.000 VNĐ
Giá Gốc
5.500.000 VNĐ
Thông tin tổng quan
Xem tất cả
Quảng Cáo
Kết nối Facebook