Hotline: 0908 789 326
Dang tin mien phi
Hỗ Trợ 01
Yahoo Messenger!
Hỗ Trợ 02

Đăng ký nhận thông tin mới

Tổng Quan Về Quảng Ninh


Quảng Ninh là một tỉnh ở địa đầu phía đông bắc Việt Nam, có dáng một hình chữ nhật lệch nằm chếch theo hướng đông bắc - tây nam. Phía tây tựa lưng vào núi rừng trùng điệp. Phía đông nghiêng xuống nửa phần đầu vịnh Bắc bộ với bờ biển khúc khuỷu nhiều cửa sông và bãi triều

 1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN XÃ HỘI

Vị Trí Địa Lý: Quảng Ninh là một tỉnh ở địa đầu phía đông bắc Việt Nam, có dáng một hình chữ nhật lệch nằm chếch theo hướng đông bắc - tây nam. Phía tây tựa lưng vào núi rừng trùng điệp. Phía đông nghiêng xuống nửa phần đầu vịnh Bắc bộ với bờ biển khúc khuỷu nhiều cửa sông và bãi triều, Quảng Ninh có toạ độ địa lý khoảng 106o26' đến 108o31' kinh độ đông và từ 20o40' đến 21o40' vĩ độ bắc. Bề ngang từ đông sang tây, nơi rộng nhất là 195 km. Bề dọc từ bắc xuống nam khoảng 102 km. Điểm cực bắc là dãy núi cao thuộc thôn Mỏ Toòng, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu. Điểm cực nam ở đảo Hạ Mai thuộc xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn. Điểm cực tây là sông Vàng Chua ở xã Bình Dương và xã Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều. Điểm cực đông trên đất liền là mũi Gót ở đông bắc xã Trà Cổ, thị xã Móng Cái. Quảng Ninh có biên giới quốc gia và hải phận giáp giới nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Trên đất liền, phía bắc của tỉnh (có các huyện Bình Liêu, Hải Hà và thị xã Móng Cái) giáp huyện Phòng Thành và thị trấn Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây với 132,8 km đường biên giới; phía đông là vịnh Bắc Bộ; phía tây giáp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương; phía nam giáp Hải Phòng. Bờ biển dài 250 km.  

 

 

Khí Hậu: Khí hậu Quảng Ninh tiêu biểu cho khí hậu các tỉnh miền Bắc Việt Nam vừa có nét riêng của một tỉnh miền núi ven biển. Các quần đảo ở huyện Cô Tô và Vân Đồn ... có đặc trưng của khí hậu đại dương.

Quảng Ninh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có một mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều; một mùa đông lạnh, ít mưa và tính nhiệt đới nóng ẩm là bao trùm nhất.

Do nằm trong vành đai nhiệt đới nên hàng năm có hai lần mặt trời qua thiên đỉnh, tiềm năng về bức xạ  và nhiệt độ rất phong phú.

Ảnh hưởng bởi hoàn lưu gió mùa Đông Nam Á nên khí hậu bị phân hoá thành hai mùa: mùa hạ nóng ẩm với mùa mưa, mùa đông lạnh với mùa khô.

Về nhiệt độ: được xác định có mùa đông lạnh, nhiệt độ không khí trung bình ổn định dưới 20oC. Mùa nóng có nhiệt độ trung bình ổn định trên 25oC.

Về mưa: theo quy ước chung, thời kỳ có lượng mưa ổn định trên 100 mm là mùa mưa; còn mùa khô là mùa có lượng mưa tháng ổn định dưới 100 mm.

Theo số liệu quan trắc, mùa lạnh ở Quảng Ninh bắt đầu từ hạ tuần tháng 11 và kết thúc vào cuối tháng 3 năm sau, mùa nóng bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10.

Mùa ít mưa bắt đầu từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau, mùa mưa nhiều bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10.

Giữa hai mùa lạnh và mùa nóng, hai mùa khô và mùa mưa  là hai thời kỳ chuyển tiếp khí hậu, mỗi thời kỳ khoảng một tháng (tháng 4 và tháng 10).

Sự chênh lệch về nhiệt độ trung bình của tháng tiêu biểu cho mùa đông (tháng 1) thấp hơn nhiệt độ trung bình của tháng tiêu biểu cho mùa hạ (tháng 7) là 120C và thấp hơn nhiệt độ trung bình của tháng 1 theo tiêu chuẩn nhiệt độ cùng vĩ tuyến là 5,10C.

Dân Số: Theo kết quả điều tra sơ bộ của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân số Quảng Ninh hiện nay có 1.144.381 người, trong đó nữ có 558.793 người;

Tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị của Quảng Ninh đứng thứ 3 trên toàn quốc (sau TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng), dân số thành thị là 575.939 người (chiếm tỷ lệ 50,3%); Dân số ở khu vực nông thôn là 568.442 người.

Quảng Ninh thuộc diện tỉnh có số dân trung bình trong cả nước. Tỷ lệ tăng dân số bình quân từ năm 1999 đến 2009 là 1,3% (trung bình cả nước là 1,2%).

Kết cấu dân số ở Quảng Ninh có mấy nét đáng chú ý. Trước hết là "dân số trẻ", tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi chiếm tới 37,6%. Người già trên 60 tuổi (với nam) và trên 55 tuổi (với nữ) là 7,1%. Các huyện miền núi tỉ lệ trẻ em dưới tuổi lao động còn lên tới 45%. Nét đáng chú ý thứ hai là ở Quảng Ninh, nam giới đông hơn nữ giới (nam chiếm 50,9 %, nữ chiếm 49,1%). Ngược với tỷ lệ toàn quốc. Ở các địa phương có ngành công nghiệp mỏ, tỷ lệ này còn cao hơn, ví dụ: Cẩm Phả, nam 53,2%, nữ 46,8%.

Mật độ dân số của Quảng Ninh hiện là 188 người/km vuông (năm 1999 là 196 người/ km vuông), nhưng phân bố không đều. Vùng đô thị và các huyện miền tây rất đông dân, thành phố Hạ Long 739 người/km2, huyện Yên Hưng 415 người/km2, huyện Ðông Triều 390 người/km2. Trong khi đó, huyện Ba Chẽ 30 người/km2, Cô Tô 110 người/km2, Vân Ðồn 74 người/km2.

 

2. Tài Nguyên Thiên Nhiên

Tài nguyên du lich: Quảng Ninh có tài nguyên du lịch đặc sắc vào loại nhất của cả nước, có nhiều bãi biển đẹp, có cảnh quan nổi tiếng như vịnh Hạ Long – 2 lần được Unesco xếp hạng di sản thiên nhiên thế giới và hiện nay đang được bầu chọn 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Vịnh Hạ Long Là vùng biển đảo nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh có tọa độ từ 106056’ đến 107037’ kinh độ đông và 200 43’ đến 21009’ vĩ độ Bắc. Phía Tây và Tây Bắc Vịnh Hạ Long kéo dài từ huyện Yên Hưng, qua thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả đến hết phần huyện đảo Vân Đồn; phía Đông Nam và phía Nam giáp vịnh Bắc Bộ; phía Tây Nam và tây giáp đảo Cát Bà (TP. Hải Phòng). Trên bản đồ thế giới, phía bắc Vịnh Hạ Long tiếp giáp với Trung Quốc; phía đông Vịnh Hạ Long tiếp giáp với Biển Đông.
Vẻ đẹp của Hạ Long được tạo nên từ 3 yếu tố: Đá, nước và bầu trời. Hệ thống đảo đá Hạ Long muôn hình vạn trạng. Đường nét, họa tiết, màu sắc của đảo núi, hòa quyện với trời biển tạo ra một bức tranh thủy mặc. Hòn Đỉnh Hương toát lên ý nghĩa tâm linh. Hòn Gà Chọi có một chiều sâu triết học. Hòn Con Cóc ngàn năm vẫn đứng đó kiện trời. “Những tảng khối xù xì lạnh xám dường như muốn lưu giữ và gợi nhớ cuộc sống biến chuyển không ngừng đã hóa thân thành hình mái nhà, mẹ bồng con, ông cụ, mặt người...”
Phía trong những đảo đá lớn lại hấp dẫn bởi những hang động đẹp đẽ, kì lạ. Hang Đầu Gỗ gợi cảm giác choáng ngợp với những nhũ đá muôn hình dáng vẻ. Động Thiên Cung như một đền đài hoành tráng, mỹ lệ. Hang Bồ Nâu có cửa uốn vòng cung với vô số nhũ đá buông xuống mềm mại như cành liễu. Hang Sửng Sốt đẹp đến bất ngờ với nhũ đá mang hình hài của gà rừng, cóc, rồng, thác nước cùng với nhiều hình hài khác, như mở ra một thế giới cổ tích. Những hang động như Tam Cung, Trinh Nữ, Ba Hang, Tiên Long… mỗi hang có những vẻ đẹp độc đáo riêng làm mê mải lòng người.
Biển Vịnh Hạ Long muôn đời vẫn một màu xanh biếc, chảy êm đềm, mải miết với thời gian. Hạ Long đẹp bốn mùa. Mùa xuân, những thảm thực vật biêng biếc chồi non trên dãy núi đá vôi. Mùa hạ, trời mát và trong trẻo, những hạt nắng lung linh rơi xuống mặt biển. Mùa thu, vào những đêm trăng, ánh trăng soi nghiêng bóng núi bập bềnh như dát vàng xuống trần gian. Vào mùa đông, với làn khói sóng bay bay, sương núi lan tỏa, Hạ Long đẹp như “một lẵng hoa nổi bềnh trên sóng biển mẹ hiền” (Lời của nhà văn Nguyễn Tuân).

Vịnh Bái Tử Long cùng các hải đảo và nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Trà Cổ, Bãi Cháy, Ti Tốp cùng hàng trăm di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật tập trung dọc ven biển với mật độ cao vào loại nhất của cả nước…, tạo khả năng mở nhiều tuyến du lịch kết hợp rất hấp dẫn, trên đất liền và trên các đảo. Việc phát triển du lịch ở khu  vực Hạ Long – Bãi Cháy kết hợp với tuyến ven biển đến Móng Cái, Hải Phòng - Đồ Sơn – Cát Bà…sẽ tạo thành một quần thể du lịch - thể thao - giải trí ven biển. Với bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp, nhiều khu du lịch hiện đại tầm cỡ quốc tế, hàng năm Quảng Ninh đã thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan, du lịch, nghỉ dưỡng và hội thảo (Năm 2007, đón hơn 3,7 triệu lượt khách trong đó  trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 2200 tỷ đồng).

Cụm Di tích chiến thắng Bạch Đằng
 Di tích bãi cọc Bạch Đằng
Bãi cọc Bạch Ðằng nằm trong khu đầm nước của xã Yên Giang giáp đê sông Chanh thuộc xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Ðã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận là di tích lịch sử (số191 VH/QÐ ngày 22 tháng 3 năm 1988) nhân kỷ niệm 700 năm chiến thắng Bạch Ðằng. Bãi cọc Bạch Ðằng tồn tại cùng thời gian là nhân chứng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Nơi ghi dấu thiên tài quân sự của anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn ở thế kỷ XIII. Vào thế kỷ XIII, sau 2 lần tiến quân xâm lược Việt Nam bị thất bại thảm hại (1258, 1285) năm 1288 quân Nguyên Mông quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa với 30 vạn quân do Thoát Hoan chỉ huy và 70 vạn hộc lương do Trương Văn Hổ chỉ huy tiến vào Thăng Long bằng đuờng bộ và đường thuỷ.
Đền Trần Hưng Đạo ­
Đền Trần Hưng Đạo toạ lạc trên đôi đất bên bờ sông Bạch Đằng thuộc địa phận xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh. Đền được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận là di tích lịch sử cùng với miếu Vua Bà (số 100 VH/QĐ ngày 21/ 1/ 1990) bổ sung cho di tích Bãi cọc Bạch Đằng.
Đền Trần Hưng Đạo trước đây được xây dựng ở khu hậu đồng, cách đền ngày nay gần 1.000 m về hướng đông, năm 1936 mới chuyển về cạnh miếu Vua Bà ở vị trí hiện nay. Đền được xây dựng ngay trên mảnh đất diễn ra trận đại thắng Bạch Đằng năm 1288 mà những cọc gỗ dưới đầm Yên Giang là một minh chứng. Đền kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” (J), gồm ba gian tiền đường, hai gian bái đường và một gian hậu cung. Hiện vật quý còn giữ lại trong đền là một số câu đối ca ngợi công lao to lớn của Trần Hưng Đạo đối với giang sơn đất Việt, một bộ kiệu bát cống được chạm trổ, điêu khắc tỉ mỉ và bốn đạo sắc của các vua triều Nguyễn phong cho các chủ nhân đền Trần Hưng Đạo. Lễ hội đền Trần Hưng Đạo - Miếu Vua Bà diễn ra vào ngày 8 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Tài nguyên khoáng sản: Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, có nhiều loại đặc thù, trữ lượng lớn, chất lượng cao mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước không có được như: than, cao lanh tấn mài, đất sét, cát thủy tinh, đá vôi…

Than đá: Có trữ lượng khoảng 3,6 tỷ tấn, hầu hết thuộc dòng an - tra - xít, tỷ lệ các - bon ổn định 80 – 90%; phần lớn tập trung tại 3 khu vực: Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí – Đông Triều ; mỗi năm cho phép khai thác khoảng 30 – 40 triệu tấn.

Các mỏ đá vôi, đất sét, cao lanh… Trữ lượng tương đối lớn, phân bố rộng khắp các địa phương trong tỉnh như: Mỏ đá vôi ở Hoành Bồ, Cẩm Phả; Các mỏ cao lanh ở các huyện miền núi Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, thị xã Móng Cái; Các mỏ đất sét phân bố tập trung ở Đông Triều, Hoành Bồ và TP. Hạ Long là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất vật liệu xây dựng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các mỏ nước khoáng: Có nhiều điểm nước khoáng uống được ở Quang Hanh (Cẩm Phả), Khe Lạc (Tiên Yên), Đồng Long (Bình Liêu). Ngoài ra, còn có nguồn nước khoáng không uống được tập trung ở Cẩm Phả có nồng độ khoáng khá cao, nhiệt độ trên 35oC, có thể dùng chữa bệnh.

 

Tài nguyên Biển: Với bờ biển dài  250 km, Quảng Ninh có nhiều ngư trường khai thác hải sản. Hầu hết các bãi cá chính có sản lượng cao, ổn định, đều phân bố gần bờ và quanh các đảo, rất thuận tiện cho việc khai thác. Ngoài ra, Quảng Ninh còn có trên 40.000 ha bãi triều, 20.000 ha eo vịnh và hàng vạn ha các vũng nông ven bờ, là môi trường thuận lợi để phát triển nuôi và chế biến hải sản xuất khẩu.

 

Ven biển Quảng Ninh có nhiều khu vực nước sâu, kín gió là lợi thế đặc biệt quan trọng thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, nhất là ở thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, huyện Tiên Yên, thị xã Móng Cái và huyện Hải Hà.

 

 

Tài Nguyên rừng: Quảng Ninh có 243.833,2 ha rừng và đất rừng (chiếm 40% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh), trong đó rừng tự nhiên chiếm khoảng 80%.Còn lại là rừng trồng, rừng đặc sản khoảng 100 ngàn ha, đất chưa thành rừng khoảng 230 ngàn ha, là điều kiện để phát triển thành các vùng gỗ công nghiệp, vùng cây đặc sản, cây ăn quả có quy mô lớn.

 

3. Cơ Sở Hạ Tầng

Hệ thống giao thông: Hệ thống giao thông tỉnh Quảng Ninh bao gồm: giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa, giao thông đường biển, giao thông đường sắt và các cảng hàng không.

 

- Đường bộ: Quốc lộ: có 5 tuyến với 381 km; trong đó chủ yếu đường đạt cấp IV, cấp III, còn lại 32 km đường Quốc lộ 279 (84%) đạt cấp V mặt đường đá dăm nhựa;


- Đường thuỷ nội địa: Bến: toàn tỉnh có 96 bến thuỷ nội địa; Luồng: đã đưa vào cấp quản lý 642 km đường thuỷ nội địa.

- Đường biển phục vụ công tác vận tải thuỷ bao gồm các bến cảng và hệ thống luồng, lạch. Ở Quảng Ninh, trong 14 huyện, thị xã, thành phố chỉ duy nhất Bình Liêu là huyện không có vận tải thuỷ, 13 huyện, thị xã, thành phố còn lại đều có sông, suối hoặc ở ven biển nên thuận lợi trong vận tải thuỷ.

- Đường sắt Toàn tỉnh có 65 km đường sắt quốc gia thuộc tuyến Kép-Hạ Long (hiện nay đang cải tạo tuyến Yên Viên – Cái Lân khổ đôi 1,0m và 1,435m). Ngoài ra còn có hệ thống đường sắt chuyên dùng ngành than.

 

 

Hệ thống cung cấp nước: Quảng Ninh đã xây dựng được hệ thống các nhà máy nước có công suất lớn, đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất.

Toàn tỉnh còn có 69 công trình hồ, đập các loại. Hệ thống hồ, đập chính tập trung tại các vùng nông nghiệp như huyện Đông Triều, Yên Hưng và các huyện miền Đông. Hệ thống này gồm 7 công trình với tổng trữ lượng 222 triệu m3, có khả năng cung cấp nước tưới cho 28.500 ha; trong đó công trình lớn nhất là hồ Yên Lập (thuộc dịa phận huyện Yên Hưng) với trữ lượng 118 triệu m3, có khả năng cung cấp nước tưới cho 10.000 ha và cung cấp nước sinh hoạt cho 100.000 dân.

 

 

Hệ thống cung cấp điện: Tính đến ngày 30/6/2010 Quảng Ninh đang vận hành 03 nhà máy điện với tổng công suất 1.010MW trong đó bao gồm: Nhiệt điện Uông Bí (110MW+ 300MW); Nhiệt điện Quảng Ninh I#1 (300MW); Nhiệt điện Cẩm Phả I (300MW). Ngoài ra còn 01 nhà máy thuỷ điện đang vận hành phát điện với công suất 3,6MW (Thuỷ điện Khe Soong).

 

Hệ thống thông tin liên lạc: Hệ thống bưu chính viễn thông đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện đáp ứng được các nhu cầu và hình thức thông tin.Mạng viễn thông được trang bị các thiết bị kỹ thuật số với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đa dịch vụ. Đến đầu năm 2009 trên địa bàn tỉnh đã có 693 trạm phát sóng di động BTS, trong đó số trạm phát triển mới trong năm 2008 là 206 trạm. Đặc biệt, Vinaphone đã lắp đặt trạm BTS trên đảo Ti Tốp (Vịnh Hạ Long) nên đã phủ sóng di động cơ bản trên Vịnh Hạ Long, góp phần phục vụ tốt nhu cầu du lịch trên Vịnh. Mạng BTS đang được triển khai ở khu vực di tích danh thắng Yên Tử (TX Uông Bí) và Núi Bài Thơ (TP Hạ Long). Mạng thông tin di động của mạng Vinaphone,  Viettel, Mobiphone và mạng S-phone đã phủ sóng 14/14 huyện, thị xã, thành phố cùng nhiều đảo xa của tỉnh.

 

4. Định hướ phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh đến năm 2020:

Ngày 24/11/2006 Thủ Tướng chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.


Mục tiêu phát triển

Từ nay đến năm 2020, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả để thực hiện công nghiệp hoá trước năm 2020.

- Tốc độ tăng trưởng GDP thời kỳ 2006-2010 đạt khoảng 13% thời kỳ 2011-2020 khoảng14,2%. GDP bình quân đầu người vào năm 2010 (giá so sánh năm 1994) đạt 950 USD, năm 2020đạt trên 3.120 USD.

- Tỷ lệ tích luỹ đầu tư lên 40% so với GDP vào năm 2010, đáp ứng 75% nhu cầu vốn đầu tư phát triển.

- Thực hiện tốt công tác xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm phát triển y tế, giáo dục -đào tạo, văn hoá thể dục- thể thao v.v..

Phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực

 

Công nghiệp.

Phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: khai thác than, điện, vật liệu xây dựng, cơ khí mỏ, cơ khí đóng tàu, công nghiệp phục vụ du lịch..Xõy dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung. Phát triển công nghiệp quy mô nhỏ ở nông thôn và miền núi.Đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại; tiếp nhận vốn và chuyển giao công nghệ tiên tiến từ bên ngoài. Giải quyết tốt các mâu thuẫn giữa phát triển công nghiêp, phát triển dịch vụ du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái.

a. Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản:

-  Khai thác chế biến than: năm 2010,sản lượng than đạt 39-41 triệu tấn/năm; năm 2020 đạt 50 triệu tấn/ năm;

- Khai thác và chế biến các khoáng sản khác như: sét, cao lanh, cát đá...

b. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: xây dựng mới các nhà máy xi măng lò quay có công nghệ tiên tiến và hiện đại  ở khu vực Hoành Bồ(tổng công xuất 4 triệu tấn/ năm, sau đó nâng lên 6 triệu tấn/ năm). Liên doanh cung cấp clinker cho các trạm nghiền clinker ở vùng Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng nhà máy bao bì xi măng. Mở rộng và xây dựng mới các trạm trộn bê tông

Đầu tư dây chuyền sản suất gạch không nung; nâng tỷ lệ gạch không nung trong cơ cấu vật liệu xây dựng lên 13% vào năm 2011 và 30% vào năm 2020. Xây dựng nhà máy gạch lát cerami, gạch tuynel, các cơ sở sản xuất đá ốp lát, ván ép.

c. công nghiệp đóng tàu,cơ khí chế tạo: phát triển và hiện đại hoá nghành cơ khí mỏ, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền đến 50.000 tấn.

d. Công nghiệp luyện kim: đầu tư xây dưng nhà máy chế tạo phôi, cán thép, thép tấm quy mô vừa để cung cấp nguyên liệu. Nghiên cứu đầu tư đồng bộ theo các bước đi thích hợp cho các cơ sở công nghiệp luyện kim. Thúc đẩy đầu tư cơ sở sản xuất thép ở khu vực Việt Hưng – Cái Lân.

đ. Công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản, thực phẩm và đồ uống :ưu tiên đối mới thiết bị , công nghiệp; chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu sang chế biến các sản phẩm có chất lượng cao phục vụ đời sống nhân dân, xuất khẩu và du lịch.Đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến, nuôi trồng thuỷ sản, hoa quả, thực phẩm và đồ uống.

e. Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng: tập trung phát triển các ngành dệt, da, may, gốm sứ, thuỷ tinh.

g. Phát triển các ngành công nghiệp khác:công nghiệp điện, sản xuất phân đạm, than sinh hoạt, liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô...

h. Phát triển tiểu, thủ công nghiệp.

i. Định hướng phát triển các khu,cụm công nghiệp: đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, c?m công nghiệp hiện có; nghiên cứu thành lập một số khu, c?m công nghiệp gắn với khu kinh tế, khu du lịch như khu công nghiệp (KCN): Cái Lân, Việt Hưng,Đồng Mai, Hải Yên,Ninh Dương, Chạp Khê, Phương Nam, Tiên Yên, Kim Sen và KCN sạch thuộc khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn, nghiên cứu thành lập một số khu công nghệ; cụm công nghiệp Đông Triều và một số cụm công nghiệp khác trên hành lang đường 18A.

 

Du lịch

Đến năm 2010, sẽ thu hút khoảng 6.8triệu lượt khách du lịch( trong đó từ 2.5-3 triệu lượt khách quốc tế) và tăng gấp 1.5 lần vào năm 2020. Phấn đấu doanh thu đạt 3.000 tỷ vào năm 2010 và trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Tập trung phát triển 4 khu du lịch chính là : Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái-Trà Cổ, Uông Bí- Đông Triều- Yên Hưng thành trung tâm du lịch lớn tương ứng với vị thế của Tỉnh có thu từ du lịch chiếm tỉ trọng cao, bền vững trong cơ cấu GDP. Tổ chức các tuyến du lịch trong tỉnh, ngoài tỉnh và du lịch nước ngoài.

Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng cao và các sản phẩm du lịch bổ trợ, sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực.

 

Thương mại,xuất nhập khẩu các ngành dịch vụ khác.

Phát triển ngành thương mại nội địa; đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, xuất khẩu nhập khẩu và hoạt động kinh tế đối ngoại, phát triển các loại hình dịch vụ tài chính,ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, phần mềm, dịch vụ vận tải, xây dựng ,tư vấn v.v... Tập trung xây dựng Hạ, Long Móng Cái thành các Trung tâm thương mại lớn của Tỉnh và Vùng đồng bằng sông Hồng.

 

Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đa dạng hoá sản phẩm và đa dạng hoá cơ cấu kinh tế nông thôn.Từng bước hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng và có sức cạnh tranh.

Về lâu dài, cây lương thực vẫn giữ vị trí đặc biệt quan trọng đối với an ninh lương thực, hướng chủ yếu là tập trung thâm canh, chuyển đổi cơ cấu diện tích cây trồng hợp lý. Phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, cây thực phẩm.
Phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoá, từng bước trở thành nghành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng trong nông nghiệp.

Phát triển lâm nghiệp toàn diện, chú trọng phát triển 3 loại rừng: Rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất. Hình thành 2 vùng sản xuất lâm nghiệp: Vùng cây nguyên liệu gỗ cho sản xuất, xây dựng;vùng cây lâm nghiệp đặc sản ( quế, hồi, thông nhựa) cho xuất khẩu.Đến năm 2020, tỷ lệ độ che phủ của rừng toàn tỉnh đạt 50-55%. Phát triển lâm nghiệp phải thực hiện được mục tiêu xoá đói giảm nghèo; đời sống người lao động làm trong ngành lâm nghiệp (bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng khai thác chế biến) ngày càng khá lên. Đẩy mạnh sản xuất lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá.

Phát triển thuỷ, hải sản trên quan điểm kết hợp hợp lý giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến, chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu sang chế biến xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao; tạo ra số lượng hàng hoá lớn;đưa thuỷ, hải sản thành ngành kinh tế có vị trí xứng đáng trong ngành kinh tế của Tỉnh.

 

Kết cấu hạ tầng.

Xây dựng kết cấu hạ tầng phải bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả vùng; trong đó xây dựng hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển, Khu kinh tế tổng hợpVân Đồn và các khu kinh tế cửa khẩu là thực sự cần thiết. Ngoài các chương trình, dự án cụ thể đã được xác định, cần chú trọng nghiên cứu, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp, liên hợp kiểu đặc khu như Khu kinh tế liên hợp đô thị, Khu công nghiệp, Khu công nghệ,khu du lịch; dịch vụ vận tải, hậu cần gắn liền với cảng biển...   

 

5. Các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư

- Nhà máy gạch chịu lửa tại Hải Hà,Khu công nghiệp Việt Hưng;thời gian thực hiện: 2010-2015.
- Nhà máy gạch trang trí tại Hạ Long;thời gian thực hiện:2010-2012
- Nhà máy gạch granit tại Hải Hà;thời gian thực hiện:2010-2015   
- Khai thác và chế biến đá tấn mài tại Hải Hà;thời gian thực hiện:2010-2015
- Nhà máy sản xuất thuỷ tinh cao cấp tại Yên Hưng;thời gian thực hiện:2010-2015
- Dây chuyền lắp ráp hàng điện tử,điện lạnh tại Cẩm Phả,Khu công nghiệp Đông Mai ;thời gian thực hiện:2008-2010
- Nhà máy sửa chữa và đóng tàu thuỷ tại Khu công nghiệp Cái Lân;thời gian thực hiện: 2006-2010
- Nhà máy cơ khí lớn,thiết bị siêu trường ,siêu trọng tại Cẩm Phả;thời gianthực hiện: 2006-2010
- Nhà máy sản xuất giầy xuất khẩu tại khu công nghiệp Việt Hưng,Đông Mai,Chạp khê;thời gian thực hiện:2008-2011
- Nhà máy may xuất khẩu tại Khu công nghiệp Việt Hưng,Đông mai,Chạp Khê;thời gian thực hiện: 2006-2010
- Nhà máy sản xuất phụ kiện ngành giầy dép và may mặc tại Khu Công nghiệp Việt Hưng,Đông Mai,Chạp khê;thời gian thực hiệ:2008-2010
- Nhà máy chế biến rau quả tại Đông Triều 2.160 tấn /năm;thời gian thực hiệ: 2010-2015
- Dây chuyền chế biến đồ ăn nóng giữa ca tại Khu công nghiệp Việt Hưng-Cái Lân,Hải Yên;thời gian thực hiện: 2010-2020
- Dịch vụ vận tải hàng Container tại Hoành Bồ;thời gian thực hiện: 2010-2020
- Nhà máy thiết bị cấp nước,lọc nước tại Khu công nghiệp Việt Hưng,Chạp Khê, Hải Yên, thời gian thực hiện: 2010-2015
- Nhà máy sản xuất sơn tại Khu Công nghiệp Chạp Khê;thời gian thực hiện: 2010-2015
- Nhà máy sản xuất sản phẩm sau tùng hương tại Uông Bí;thời gian thực hiện: 2010-2015
- Nhà máy sản xuất đồ lưu niệm tại Khu công nghiệp Cái Lân;thời gian thực hiện: 2007-2010
- Nhà náy sản xuất pin năng lượng mặt trời tại các khu công nghiệp;thời gian thực hiện: 2010-2015
- Nhà máy sản văn phòng phẩm tại các Khu công nghiệp;thời gian thực hiện: 2010-2015
- Nhà máy sản xuất đèn chiếu sáng tại các khu công nghiệp;thời gian thực hiện: 2011-2020
- Nhà máy sản xuất đèn chiếu sáng trang trí tại các khu công nghiệp;thời gian thực hiện: 2011-2020
- Nhà máy sản xuất thiết bị và trang phục thể dục-thể thao tại các khu công nghiệp;thời gian thực hiện:2010-2020
- Nhà máy sản xuất túi sách-bao bì tại các khu công nghiệp;thời gian thực hiện: 2010-2020
- Nhà máy sản xuất đồ dùng ăn uống một lần tai Khu công nghiệp Việt Hưng, Chạp Khê, Đông Mai;thời giang thực hiện:2007-2010
- Nhà máy chế biến than tiêu dùng chất lượng cao tại khu công nghiệp Việt hưng; thời gian thực hiện:2010-2020
- Nhà máy sản xuất phân vi sinh,phân hưu cơ tổng hợp từ rác sinh hoạt tại Cẩm Phả;thời gian thực hiện:2010-2015


Theo  http://ipcn.mpi.gov.vn


Các tin khác
Tổng Quan Về Quảng Ngãi
Tổng Quan Về Quảng Nam
Tổng Quan Về Phú Yên
Tổng Quan Về Phú Thọ
Tổng Quan Về Ninh Thuận
Tổng Quan Về Ninh Bình
Tổng Quan Về Nghệ An
Tổng Quan Về Lào Cai
Tổng Quan Về Lạng Sơn
Tổng Quan Về Lai Châu
Tổng quan về Kiên Giang
Tổng Quan Về Hưng Yên
Tổng Quan Về Hòa Bình
Tổng Quan Về Hải Phòng
Tổng Quan Về Hải Dương
Quay trở về    Đầu trang
Góc sản phẩm

Ghe xoay giam doc - TH003

Giá Bán
2.245.000 VNĐ
Giá Gốc
2.245.000 VNĐ

Sữa Tắm Lux Thái Lan

Giá Bán
100.000 VNĐ
Giá Gốc
100.000 VNĐ
Thông tin tổng quan
Xem tất cả
Quảng Cáo
Kết nối Facebook