Hotline: 0908 789 326
Dang tin mien phi
Hỗ Trợ 01
Yahoo Messenger!
Hỗ Trợ 02

Đăng ký nhận thông tin mới

Tổng Quan Về Gia Lai

Giới thiệu tổng quan Gia Lai

             I. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên:

            Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc vùng Tây Nguyên, có toạ độ địa lý từ 12058’28” đến 14036’30’ độ vĩ Bắc, từ 107027’23” đến 108054’40” độ kinh Đông, phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, phía Nam giáp tỉnh Đăk Lăk, phía Tây giáp nước bạn Campuchia, phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum. Gia Lai có khí hậu nhiệt đới gió mùa Cao Nguyên, trong năm chia làm 2 mùa: Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Vùng Tây Trường sơn có lượng mưa trung bình hàng năm từ 2.200 đến 2.500 mm, vùng Đông Trường Sơn từ 1.200 đến 1.750 mm ; Có nhiều sông hồ với trữ năng lý thuyết khoảng 10,5 đến 11 tỷ kwh,  nhiệt độ trung bình năm từ 220C đến 250C, khí hậu Gia Lai nhìn chung thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp, kinh doanh tổng hợp  nông lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc.

            Tỉnh có diện tích tự nhiên 15.536,9 km2, với 7 nhóm đất khác nhau, phù hợp với nhiều loại cây trồng; trong đó nhóm đất Bazan có 386.000 ha. Dân số trung bình là: 1.213.000 người, trong đó dân tộc kinh: 618.630 người chiếm 51%, các dân tộc khác: 594.370 người chiếm 49%. Tốc độ tăng dân số tự nhiên: 1,75%, số người trong  độ tuổi lao động : 624.931 người.

            Gia Lai có 16 đơn vị hành chính bao gồm: Thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã AyunPa và 13 huyện. Trong đó Thành phố Pleiku là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá và thương mại của tỉnh, nơi hội tụ của 2 quốc lộ chiến lược của vùng Tây Nguyên là quốc lộ 14 theo hướng Bắc Nam và quốc lộ 19 theo hướng Đông Tây, là điều kiện thuận lợi để giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, cả nước và quốc tế.

            Cơ sở hạ tầng: Gia Lai có 90km đường biên giới chung với Campuchia, có cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, sân bay pleiku, một số nhà máy thủy điện lớn: nhà máy thuỷ điện IaLy, Sê san 3A…. đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

            Gia Lai có vị trí khá thuận lợi về giao thông, với 3 trục quốc lộ: quốc lộ 14 nối Gia Lai với các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Tây Nguyên với Tp.Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quốc lộ 19 nối tỉnh với cảng Quy Nhơn và Campuchia, quốc lộ 25 nối Gia Lai với tỉnh Phú Yên và Duyên Hải Miền Trung.

Gia Lai nằm ở vị trí trung tâm của khu vực, là cửa ngõ đi ra biển của phần lớn các tỉnh trong khu vực, nên đây là điều kiện để cùng các tỉnh bạn đẩy mạnh hợp tác phát triển và phát huy các lợi thế vốn có của mình nhằm tăng năng lực sản xuất và hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển đúng hướng, tạo thế cho Gia Lai trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực thúc đẩy các tỉnh khác trong vùng cùng phát triển.

Với vị trí nằm trong khu vực tam giác phát triển kinh tế Việt Nam, Lào, Campuchia cũng là lợi thế rất lớn cho Gia Lai.

Thành phố Pleiku có Khu công nghiệp Trà Đa 109,3ha, đã xây dựng và đi vào hoạt động, điều kiện hạ tầng hoàn chỉnh, đã có 95% diện tích được các nhà đầu tư thuê, đã mở rộng 15ha, đang có kế hoạch mở rộng lên 300ha. Khu công nghiệp Tây Pleiku được quy hoạch tổng thể với quy mô 500ha, cụm công nghiệp Chư Sê nằm cạnh giao lộ 14 và 25; cụm công nghiệp Ayunpa nằm cạnh quốc lộ 25; cụm công nghiệp An Khê nằm bên quốc lộ 19 và xu hướng đón tiếp các nhà đầu tư và giao thương với cảng biển của Miền Trung. Bên cạnh đó còn có các khu công nghiệp khác như: Cụm tiểu thủ công nghiệp Diên Phú (Pleiku), khu công nghiệp Trà Bá, Bắc Biển Hồ, khu công nghiệp Hàm Rồng, khu công nghiệp khu kinh tế cửa khẩu đường 19….. tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chọn lựa địa điểm xây dựng nhà máy.

II. Các nguồn tài nguyên:

1. Tài nguyên đất:

Theo phân loại của FAO – UNESCO thì đất đai của tỉnh gồm các loại sau:

- Nhóm đất phù sa: diện tích 64.218ha, chiếm 4,13% diện tích tự nhiên. Nhóm đất phù sa phân bố ở nơi có địa hình bằng phẳng, gần nguồn nước, tầng đất dày, phù hợp cho phát triển cây nông nghiệp đặc biệt là cây lúa nước và cây hoa màu lương thực.

- Nhóm đất xám: diện tích 364,638ha, chiếm 23,47% diện tích tự nhiên, được hình thành trên nền phù sa cổ, đá mác ma axits và đá cát, đất có thành phần có giới nhẹ, dễ thoát nước, khả năng giữ chất dinh dưỡng kém nên nghèo dinh dưỡng. Đất thích hợp cho trồng cây công nghiệp ngắn ngày hoặc trồng rừng để bảo vệ đất.

- Nhóm đất đỏ vàng: diện tích 756.433ha, chiếm 48,69% tổng diện tích tự nhiên. Đây là nhóm đất có nhiều loại đất có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là loại đất đỏ trên đá bazan. Tập trung ở các huyện trên cao nguyên Pleiku và cao nguyên Kon Hà Nừng, đất thích hợp cho trồng cây công nghiệp dài ngày: chè, cà phê, cao su và các loại cây ăn qủa..

- Nhóm đất đen dốc tụ: diện tích 16.774ha, chiếm 1,08% diện tích tự nhiên. Nhóm đất ở độ cao 300-700m, độ dốc 3o – 8o, thích nghi cho trồng rừng, khôi phục thảm thực vật bề mặt bảo vệ đất.

- Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá: diện tích 164.751ha, chiếm 10,60% diện tích tự nhiên. Đất không có khả năng cho sản xuất nông nghiệp, cần giữ rừng và khoanh nuôi bảo vệ đất.

Đất nông nghiệp chiếm 83,69% diện tích tự nhiên của Gia Lai, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 32,15% và hiện mới sử dụng chưa đến 400.000 ha nên quỹ đất để phát triển sản xuất nông nghiệp còn lớn.

2. Tài nguyên nước:

- Tài nguyên nước mặt: Tổng trữ lượng nước mặt của Gia Lai khoảng 23 tỷ m3 phân bố trên các hệ thống sông chính: sông Ba, sông Sê San và phụ lưu hệ thống sông Sêrêpok, do có nhiều sông suối nên ngành thuỷ điện là ngành có rất nhiều tiềm năng của tỉnh. Sông suối của tỉnh Gia Lai có đặc điểm là ngắn và có độ dốc lớn, nên rất thuận lợi trong việc xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ. Tuy nhiên các cao nguyên thì lại rất thiếu nước mặt, do không có điều kiện để làm công trình tưới. Hiện tại trên cao nguyên Pleiku chỉ có Biển Hồ là nơi dự trữ nước mặt lớn nhất, song cũng chỉ được sử dụng để cung cấp nước sinh hoạt của thành phố Pleiku và các vùng phụ cận. Sự phân hoá sâu sắc của lượng mưa trong năm khiến cho mùa mưa nước mặt dư thừa gây lũ lụt, xói mòn đất, còn trong mùa khô lại thiếu nước cho sản xuất.

- Tài nguyên nước ngầm: Theo kết quả điều tra của liên đoàn địa chất thuỷ văn ở 11 vùng trên địa bàn tỉnh cho thấy tổng trữ lượng nước cấp A + B: 26.894 m3/ngày, cấp C1 là 61.065m3/ngày và C2 là 989m3/ngày. Nhìn chung, tiềm năng nước ngầm của tỉnh có trữ lượng khá lớn, chất lượng nước tốt, phân bố chủ yếu trong phức hệ chứa nước phun trào bazan cùng với các nguồn nước mặt đảm bảo cung cấp nước cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

3. Tài nguyên rừng:

Trong 871.645 ha đất lâm nghiệp của Gia Lai, diện tích có rừng là 719.314 ha, trữ lượng gố 75,6 triệu m3. So với cả vùng Tây Nguyên, Gia Lai chiếm 28% diện tích lâm nghiệp, 30% diện tích có rừng và 38% trữ lượng gỗ. Sản lượng gỗ khai thác hàng năm cả rừng tự nhiên và rừng trồng từ 160.000 – 180.000 m3 sẽ đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến gỗ, bột giấy với quy mô lớn và chất lượng cao. Gia Lai còn có quỹ đất lớn để phục vụ trồng rừng, trồng cây nguyên liệu giấy.

Rừng của tỉnh Gia Lai liên quan mật thiết với những đặc trưng địa lý tự nhiên và quá trình diễn biến tài nguyên rừng, thảm rừng của vùng Tây Nguyên. Nằm trong vùng có điều kiện khí hậu, địa hình, đất đai nhiều thuận lợi, nên thảm thực vật ở đây phát triển rất đa dạng và phong phú, bao gồm nhiều loại khác nhau:

- Thảm thực vật rừng: rừng tự nhiên ở Gia Lai chiếm khoảng 78,3%  diện tích đất lâm nghiệp, có nhiều loại cây quý hiếm, gỗ tốt như: sao, giáng hương, gội, trắc, kiền kiền, bằng lăng, chò sót…Rừng Gia Lai phát triển chủ yếu trên địa hình núi cao, các khe suối và hợp thuỷ có nhiều tầng và nhiều loại độ che phủ tốt, tầng thảm mục dày, đất tơi xốp. Loại rừng này có diện tích rất lớn, đây là nguồn tài nguyên quý không chỉ riêng của tỉnh, của vùng Tây Nguyên nói chung mà của cả nước.

Rừng non tái sinh và cây bụi phân bố ở khắp các vùng trên địa bàn tỉnh, trên các dạng địa hình và các loại đất khác nhau với thảm thực vật chủ yếu là cây họ dầu, họ đậu, họ xoan, họ dẻ…ngoài ra còn có thảm cỏ tự nhiên, thực vật trồng và nhiều loại cây lương thực khác.

- Động vật rừng: Theo kết quả nghiên cứu của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật thì hệ động vật rừng gồm: 375 loài chim thuộc 42 họ, 18 bộ; 107 loài thú thuộc 30 họ, 12 bộ; 94 loài bò sát thuộc 16 họ, 3 bộ; 48 loài lưỡng cư thuộc 6 họ, 2 bộ; 96 loài cá và hàng ngàn loài côn trùng, động vật đất….Đặc biệt có những loài thú quý hiến như: tê giác, bò tót, hổ beo, gấu ngựa, cầy bay, sóc bay, culi lùn, vượn đen, dơi đốm hoa, các loài chim như hạc cổ trắng, công, trở sao, gà lôi vằn, gà tiên mặt đỏ, các loài bò sát như: tắc kè, thằn lằn giun, trăn hoa…

4. Tài nguyên khoáng sản:

Theo các tài liệu hiện có về tiềm năng khoáng sản và hiện trạng khai thác mỏ, tỉnh Gia lai có các loại khoáng sản sau:

- Quặng bôxít: 2 mỏ có trữ lượng lớn là Kon Hà Nừng (C­­­­2: 210,5 triệu tấn với hàm lượng AL2O3: 33,76%-51,75%; SiO2: 14,04%) vá Đức Cơ. Ngoài ra còn có các điểm khoáng hoá bôxít ở Thanh Giao, Lệ Thanh, Lệ Cần, Bàu Cạn và PleiMe.

- Vàng: Phát hiện trên 73 điểm, trong đó có 66 điểm quặng hoá gốc và 6 điểm sa khoáng, các vùng có triển vọng là: Kông Chro, Ia Mơ, Krông Pa, Ayun pa.

- Các khoáng sản kim loại khác: mỏ sắt ở An Phú – Tp.Pleiku, kẽm ở An Trung – Kông Chro.

- Đá Granít: thuộc dạng xâm nhập phân bố ở 8 điểm với trữ lượng lớn, trong đó có 2 mỏ đá ở Bắc Biển Hồ - thị trấn Phú Hoà và mỏ đá Chư Sê là có trữ lượng lớn

Ngoài ra còn có đá vôi, đất sét, cát xây dựng, các khoáng sản làm vật liệu….Nhìn chung, tài nguyên khoáng sản của tỉnh rất đa dạng và phong phú, thuận lợi cho phát triển một số ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

5. Tài nguyên du lịch:

Nổi bật là tài nguyên du lịch tự nhiên với hệ sinh thái đa dạng, rừng nguyên sinh, hệ thống các thác nước, hồ tự nhiên và nhân tạo. Bên cạnh đó là nguồn tài nguyên nhân văn và những công trình di tích lịch sử - văn hoá của tỉnh như: Nhà lao Pleiku, khu Tây Sơn thượng đạo, di tích căn cứ địa của Anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ; làng kháng chiến Stơr; cùng với các địa danh Pleime, Cheo reo, Ia Răng đã đi vào lịch sử; các lễ hội dân gian, không gian văn hóa cồng chiêng và các tài nguyên du lịch nhân văn khác…..

III. Tình hình kinh tế - xã hội của Gia Lai các năm qua:

            Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá toàn diện, tốc độ tăng  trưởng bình quân đạt 13,1%/năm, trong đó ngành nông lâm nghiệp thuỷ sản tăng bình quân 6,97%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 23,31%/năm, dịch vụ tăng bình quân 14,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp thuỷ sản 47,33%; công nghiệp - xây dựng 25,2%, dịch vụ 27,47%.

+ Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; nông thôn được đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng công nghiệp hóa, đã hình thành ổn định các vùng cây lương thực và cây công nghiệp, đến nay toàn tỉnh có 176.373 ha cây công nghiệp dài ngày (trong đó 76.367ha cà phê với sản lượng 132.800 tấn; 73.218 ha cao su với sản lượng 63.433 tấn; 5.050 ha tiêu với sản lượng 20.881 tấn)  và 28.150 ha cây công nghiệp ngắn ngày, đã gắn liền với công nghiệp chế biến, góp phần phát triển sản xuất ổn định.

+ Sản xuất công nghiệp phát triển khá, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 26,3%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra tăng bình quân 20%/năm), đã khai thác và phát triển tốt lợi thế các ngành công nghiệp thuỷ điện, chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, khai khoáng, gắn việc xây dựng nhà máy chế biến đã gắn với vùng nguyên liệu.

Tổng vốn đầu tư xã hội tăng khá, trong 3 năm đã đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng, tăng 22% so với vốn đầu tư trong 5 năm 2001-2005. Thu hút đầu tư có tiến bộ, số doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm tăng 42% so với năm 2005 với tổng vốn đăng ký gấp 3,1 lần, nhiều dự án đầu tư quy mô lớn được đầu tư trên địa bàn tỉnh, làm cho bộ mặt thành thị, nông thôn được đổi mới.

            + Các ngành dịch vụ ngày càng phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ đạt 14,7%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2008 đạt 140 triệu USD (vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra 130 triệu USD).

+ Thu ngân sách trên địa bàn đạt khá, đến năm 2008 thu được 1.737 tỷ đồng, gấp 2,15 lần so với năm 2005, tăng bình quân 29%/năm (vượt mục tiêu Nghị quyết là 18,5%/năm); tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách bình quân 13,4%/năm.

- Lĩnh vực xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, những vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết, tỷ lệ hộ nghèo (đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là dưới 19%).

Xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm: Năm 2008 thu nhập bình quân/ người: 10,52 triệu đồng, số hộ thoát nghèo trong năm:  8.500 người, tỷ lệ hộ nghèo 18,12%  (giảm từ 29,82% của năm 2005 xuống còn 18,12% năm 2008), giải quyết việc làm mới cho 22.000 người lao động; xuất khẩu 700 lao động. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo gắn với phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc.

Giáo dục – Đào tạo: Từng bước quy mô trường lớp tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên. Toàn tỉnh có 221 trường mầm non, 221 trường tiểu học, 224 trường trung học cơ sở, 35 trường THPT, 5 trường Trung học chuyên nghiệp và một phân hiệu ĐH Nông Lâm. Đến nay toàn tỉnh có 28 trường đạt chuẩn quốc gia; có 143/215 xã, phường, 03/16 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, đạt 66,5%

            Y tế: Những năm gần đây hệ thống y tế Gia Lai từng bước được cải thiện và nâng lên về mặt chất lượng. Việc cung ứng các dịch vụ y tế được mở rộng, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được khám chữa bệnh và hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã được tăng cường đầu tư, chuẩn hóa dân từng bước và cơ bản đảm bảo khám chữa bệnh cho nhân dân trên toàn tỉnh. Đến nay có 19 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã theo quy định của Bộ y tế, chiếm tỷ lệ 8,6%, 40% trạm y tế xã có bác sỹ; tỷ lệ bác sỹ /1 vạn dân là 4,3; tỷ lệ giường bệnh viện/ 1 vạn dân: 13,7.

Tỉnh có Bệnh viện tỉnh, Bệnh viện y học cổ truyền và 2 bệnh viện khu vực là An Khê và AyunPa, ngoài ra còn có hệ thống các Trung tân y tế ở các huyện và trạm xá xã. Bên cạnh đó, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đang đầu tư Beänh vieän tư nhân Hoàng Anh Gia Lai với quy mô 200 giường bệnh.

Trong những năm qua công tác hợp tác đầu tư đã đạt được những tiến bộ đáng khích lệ, nhất là từ khi tỉnh Gia Lai ký kết hợp tác đầu tư với thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên đã có 76 dự án đầu tư vào Gia Lai với số  vốn  trên 8.000 tỷ  đồng.  Hiện nay, nhu cầu đầu tư vào tỉnh Gia Lai còn rất lớn, giai đoạn 2009-2015, các ngành, địa phương đã xây dựng hơn 30 dự án để kêu gọi đầu tư. Tỉnh Gia Lai sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để chào đón các Doanh nhân, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đến tỉnh để cùng biến các cơ hội tiềm năng thành những công trình hợp tác có hiệu quả cao nhất.

V. Định hướng phát triển đến năm 2020:

Những định hướng lớn phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh đến năm 2020 như sau:

            1. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy chuyển dich cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế :

            Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với mức trung bình của cả nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng đầu tư vào các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 13%, phấn đấu đạt mức 12-13% trong giai đoạn 2011-2015 và 11-12% trong giai đoạn 2016-2020.

            GDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) năm 2010 đạt 15 triệu đồng, năm 2015 đạt 32 triệu đồng, gấp 2,137 lần năm 2010, năm 2020 đạt 60 triệu đồng.

             Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của công nghiệp- xây dựng, dịch vụ đến năm 2010: NLN: 43,9%, CN-XD: 27,7%, DV: 28,4%; đến năm 2015: NLN: 39%, CN-XD: 30%, DV: 31%; đến năm 2020 NLN: 29%, CN-XD: 36%, DV: 35%.

Phấn đấu tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 13%; giai đoạn 2011-2020: 13-14%, tăng khả năng tự cân đối của ngân sách địa phương. Thực hiện tiết kiệm chi, tăng chi cho đầu tư phát triển.

            Tăng nhanh nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục mở rộng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt chú ý tới kết cấu hạ tầng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 35,% giai đoạn 2006-2010, đến năm 2010 đạt 180 triệu USD; giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 17,35% đạt 400 USD vào năm 2015; giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 13,4% đạt 750 triệu USD vào năm 2020.

2. Phát triển các ngành kinh tế

2.1. Nông lâm nghiệp: Phát triển nhanh sản xuất nông nghiệp hàng hoá, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng theo hướng CNH-HĐH, hình thành các vùng sản xuất tập trung trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của từng vùng, gắn nông lâm nghiệp với công nghiệp chế biến, gắn sản xuất với thị trường trong nước và ngoài nước, nâng cao dần mức thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Tăng cường đầu tư chiều sâu, tạo sự chuyển biến về chất trong sản xuất nông nghiệp và phát triển toàn diện kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho dân.

Cùng với phát triển nông lâm nghiệp, cần phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, ngân hàng, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn một cách hợp lý và đạt hiệu quả cao.

2.2. Công nghiêp:

- Phát triển công nghiệp Gia Lai nằm trong tổng thể phát triển công nghiệp cả nước, nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế, hợp tác liên tỉnh, liên vùng.

            - Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mà sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh, có hiệu quả kinh tế cao, có thị trường ổn định (trong nước và đặc biệt là xuất khẩu) thu hút được nhiều lao động.

            - Đa dạng hoá nguồn vốn và thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp, ưu tiên đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung ở thành thị, đồng thời khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp nông thôn, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, thực hiện xoá đói, giảm nghèo.

             - Đầu tư một số nhà máy có quy mô sản xuất lớn và đầu tư mở rộng hết công suất các nhà máy hiện có, đầu tư mới nhiều nhà máy chế biến nông lâm sản như: Chế biến cà phê, điều, chế biến cồn... đặc biệt là khu Liên hợp sản  xuất cao su đi vào hoạt động nên giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh. Xây dựng một số nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khóang sản.

            - Đưa vào hoạt động các công trình thủy điện vừa và nhỏ giai đoạn 2 (23 công trình) triển khai đầu tư các công trình thủy điện vừa và nhỏ giai đoạn 3 (32 công trình).

            - Chú trọng phát triển sản xuất linh kiện phụ trợ với mức độ chuyên môn hóa cao.

             Đến năm 2020 hoàn chỉnh khu công nghiệp Tây Pleiku với quy mô 615 ha.

            Giai đoạn 2016-2020 chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất các sản phẩm có công nghệ cao và hàm lượng kỹ thuật cao, phát triển công nghiệp tinh chế tinh luyện và chế biến sâu...

             Đến năm 2020 quy hoạch lân cận TP.Pleiku một khu công nghiệp diện tích 1.000 ha và một khu công nghiệp công nghệ cao diện tích 500 ha.

2.3. Dịch vụ:

Các ngành thuộc khối dịch vụ giữ vai trò ngày càng quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện, sự phân công và hợp tác diễn ra mạnh mẽ và xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại tạo điều kiện thúc đẩy và đồng thời đòi hỏi khối dịch vụ phải phát triển nhanh để đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.

 Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ như: thương mại, vận tải, kho bãi, thông tin liên lạc, tài chính- ngân hàng, du lịch... phát triển các dịch vụ mới. Đổi mới cơ chế quản lý và phương thức cung ứng các dịch vụ công cộng.

 Khối dịch vụ phát triển đạt nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 15%/năm giai đoạn 2011-2015 và 15,5%/năm giai đoạn 2016- 2020.

            Thương mại: Phát triển hệ thống thương mại trên cơ sở đa dạng hoá các thành phần kinh tế và đa phương hoá trong hợp tác, liên kết, liên doanh đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân ngày càng cao.                  

            Đảm bảo đầu ra cho những sản phẩm hàng hóa, đồng thời, đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu về vật tư cho sản xuất và hàng hoá tiêu dùng cho nhân dân. Phát triển trung tâm thuơng mại, hệ thống siêu thị, phát triển mạng lưới chợ. Phấn đấu đưa tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ trên thị trường tăng bình quân 20% giai đoạn 2011-2015 và 22% giai đoạn 2016-2020 .

            Xuất khẩu: Đặc biệt chú trọng xuất khẩu để đảm bảo đầu ra rộng lớn và ổn định cho sản xuất. Mở rộng xuất khẩu các mặt hàng mới vào các thị trường mới. Nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm chủ lực của tỉnh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới, tăng sản phẩm chế biến, giảm dần tỷ trọng sản phẩm thô. Phấn đấu trị giá kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh của các doanh nghiệp địa phương năm 2015 đạt 400 triệu USD và tới năm 2020 đạt 750 triệu USD. Tập trung phát triển các sản phẩm  chủ lực  như: cà phê, cao su, tinh bột sắn, sản phẩm chế biến từ gỗ, cao su... đa dạng hoá sản phẩm bằng một số mặt hàng khác như: điều, tiêu, bắp, đậu...

Nhập khẩu: Nhập khẩu các thiết bị  hiện đại, nguyên vật liệu cần thiết phục vụ phát triển sản xuất nông-công nghiệp của tỉnh, nhập khẩu hàng tiêu dùng khoảng từ 30-35% còn lại là nhập khẩu máy móc thiết bị để phát triển sản xuất .

Du lich: Phát triển du lịch Gia Lai phải được đặt trong tổng thể du lịch vùng Tây Nguyên, gắn với phát huy bản sắc dân tộc tổ chức, xây dựng tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo từ du lịch lễ hội truyền thống đến du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tham quan nghiên cứu và thể thao. Phấn đấu tăng doanh thu du lịch với tốc độ tăng bình quân: 27% giai đoạn 2011-2015 và 27,6 % giai đoạn 2016-2020.

Dịch vụ vận tải: Đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa hành khách với chất lượng ngày càng cao. Nâng cao chất lượng phưong tiện vận tải, giảm tối đa tai nạn giao thông. Xây dựng tuyến đường sắt lên Tây Nguyên, mở rộng sân bay, tăng cường chuyến bay.

Dịch vụ bưu chính viễn thông: Phát triển dich vụ bưu chính viễn thông theo hướng hiện đại và rộng khắp, nâng cao chất lượng giảm chi phí, bảo đảm giá cước hợp lý nhằm nâng cao sức cạnh tranh để đáp ứng xu hướng hội nhập. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tiếp tục phát triển bưu điện văn hóa xã, phổ cập các dịch vụ bưu chính viễn thông cơ bản.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ tổng hợp như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ thông tin, tư vấn, khuyến mại, quảng cáo, chuyển giao công nghệ, tìm kiếm việc làm v.v.. Tâp trung khai thác, cung cấp rộng rãi loại  hình dịch vụ trên thu hút doanh nghiệp, các tầng lớp dân cu sử dụng rộng rãi .

Với định hướng phát triển như trên cộng với chủ trương thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Gia Lai, tin tưởng rằng các tiềm năng của vùng đất này sẽ nhanh chóng được khai thác, sử dụng có hiệu quả để đem lại sự no ấm, phát triển bền vững cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.


Theo http://khdtgialai.gov.vn

Các tin khác
Tổng Quan Về Tỉnh An Giang
Tổng quan về Bạc Liêu
Tổng Quan Về Bắc Kạn
Tổng quan về Bắc Giang
Tổng Quan Về Bến Tre
Tổng quan về tỉnh Bình Định
Tổng quan về Bình Phước
Tổng Quan Về Cà Mau
Tổng Quan Về Cao Bằng
Tổng quan về Đà Nẵng
Tổng Quan Về Đắk Lắk
Tổng Quan Về Đồng Nai
Tổng Quan Về Đồng Tháp
Tổng Quan Về Hậu Giang
Tổng Quan Về Khánh Hòa
Quay trở về    Đầu trang
Góc sản phẩm

Két sắt Hàn Quốc HANMI SAFE - HS-49C

Giá Bán
3.800.000 VNĐ
Giá Gốc
3.800.000 VNĐ

HTC Sensation

Giá Bán
7.600.000 VNĐ
Giá Gốc
7.600.000 VNĐ
Thông tin tổng quan
Xem tất cả
Quảng Cáo
Kết nối Facebook