Hà Tĩnh như một bức tranh thu nhỏ của
dải đất miền Trung nói riêng và nước Việt nói chung, tựa lưng vào dãy
Trường Sơn và hướng ra biển Đông, với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú
và di tích, danh thắng tiêu biểu, có giá trị tầm cỡ quốc gia và quốc tế
như bãi biển Thiên Cầm, Xuân Thành, Kỳ Ninh, Mũi Đao, hồ Kẻ Gỗ, chùa
Hương Tích, núi Hồng Lĩnh 99 ngọn kéo dài trên địa bàn 34 xã ở các huyện
Nghi Xuân, Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh, nhiều di tích lịch sử, văn hoá
được công nhận cấp Quốc gia; Có hệ thống giao thông thuỷ bộ thuận tiện,
nguồn tài nguyên và nhân lực dồi dào, nhiều chính sách khuyến khích ưu
đãi đầu tư ... Hà Tĩnh đang nỗ lực vươn lên, mở rộng vòng tay chào đón
bè bạn.
Hà Tĩnh mong muốn, vui mừng được đón tiếp các bạn đến thăm và đón nhận các nhà đầu tư đến với quê hương mình.
Hà Tĩnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam, với diện tích
đất liền 6.054,85 km2 và trên 18.000 km2, có đầy đủ vùng miền Đô thị,
Đồng bằng, Miền núi, Ven biển v.v... với hơn 1,3 triệu dân cần cù, sáng
tạo, chịu thương, chịu khó, phía Bắc giáp với tỉnh Nghệ An, phía Nam với
tỉnh Quảng Bình, phía Tây với Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào 143 km và
phía Đông có bờ biển đẹp với những dãi cát trắng mịn chạy dài 137 km.
Các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hà Tĩnh:
1. Tài nguyên khoáng sản:
- Có mỏ sắt Thạch Khê cách Thành phố Hà Tĩnh 7 km, trữ lượng trên 544 triệu tấn, hàm lượng sắt 62,1%.
- Quặng Ti Tan (Cẩm Xuyên, Kỳ Anh) có trữ lượng trên 5 triệu tấn, thuộc
loại quặng giàu, hàm lượng Imenite từ 63,3 đến 147,4 kg/m3, Zireon từ
3-5,2kg/m3. Hiện đang khai thác xuất khẩu mỗi năm từ 10-12 vạn tấn.
- Quặng thiếc (xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn) có trữ lượng khoảng 70.000 tấn. Hàm lượng thiếc trong các mạch quặng trung bình 1%.
- Sét gạch ngói được phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Các mỏ lớn
có trữ lượng khoảng 65.000.000 m3 dùng sản xuất gạch ngói rất tốt.
- Đá Granít (ở huyện Nghi Xuân, Thạch Hà và Kỳ Anh) có trữ lượng khoảng
1,1 tỷ m3, đá Granít Hà Tĩnh thuộc loại cứng, chỉ số mài mòn 0,159
gam/cm2, độ kháng ép cao 1.600-1.7000 kg/cm2 rất tốt cho xây dựng, nhất
là các công trình yêu cầu chất lượng cao.
- Nước khoáng Sơn Kim: cách huyện lỵ Hương Sơn 30 km, cách Cửa khẩu Cầu
Treo khoảng 20km. Nước khoáng từ lòng đất phun qua các khe nhỏ trong đá
Granít nhiệt độ trên mặt nước trên 760C, có mùi Sunfua-hydro, thuộc loại
nước Bicácbônát-natri. Lưu lượng khoảng 400 m3/ngày. Hiện nay, đã được
khai thác chế biến và lưu thông trên thị trường, nhưng quy mô còn nhỏ.
Bên bờ suối nước khoáng Sơn Kim là khu rừng đặc dụng có diện tích 30.000
ha, có nhiều loại gỗ quý và động vật quý hiếm, Tỉnh chủ trương xây dựng
tại đây một khu nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch sinh thái và tổ chức
tuyến du lịch lữ hành từ Việt Nam đi Lào và Thái Lan.
2. Khí hậu:
- Khí hậu: Hà Tĩnh được chia ra 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhiệt
độ trung bình hàng năm 23-240C. Nguồn ánh sáng dồi dào, hàng năm có từ
1.600-1.700 giờ nắng, rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và chế biến
nông sản thực phẩm.
- Thuỷ văn: Hệ thống sông ngòi khá dày đặc, phân bố tương đối đồng đều
(bình quân 0,14 km đường sông/1 km2 diện tích tự nhiên) ngoài ra còn có
200 hồ chứa, lượng nước mặt hàng năm khá lớn ≈ 6 tỷ m3.
Cùng với hệ thống sông ngòi và hồ đập, Hà Tĩnh có mạng lưới thuỷ lợi
tương đối hoàn chỉnh, chủ động tưới trên 75% diện tích cây lương thực và
góp phần quan trọng điều hoà môi trường sinh thái.
3. Rừng:
Rừng và kinh tế rừng là một thế mạnh của tỉnh, có 199.847 ha rừng tự
nhiên, trong đó rừng đặc dụng 60.000 ha, rừng phòng hộ 83.078 ha, rừng
sản xuất 26.000 ha. Trữ lượng gỗ trên 21,13 triệu m3. Thực hiện chủ
trương đóng cửa rừng, hiện nay mới khai thác 15.000 m3 gỗ/năm.
Do tính đa dạng và phong phú của rừng Hà Tĩnh, Chính phủ đã quyết định
thành lập Vườn Quốc gia Vũ Quang và Khu bảo tồn thiên nhiên Kẽ Gỗ. Ở đây
diện tích rừng nguyên sinh chiếm trên 60%. Thảm thực vật phong phú, có
307 loài thực vật bậc cao, thuộc 236 chi, 99 họ với 10 loài quý hiếm,
tiêu biểu như Pơ Mu, Trầm Hương, Lim, Gụ, Sến, Táu…
Động vật: có tới 170 loài thú, 280 loài chim, 38 loài bò sát. Đặc biệt ở
Vườn Quốc gia Vũ Quang có các loài thú đặc hữu như Voọc Hà Tĩnh, Vượn
má vàng, hai loài thú lớn mới là Sao La và Mang Lớn.
Với tính đa dạng và phong phú của mình, Vườn Quốc gia Vũ Quang và Khu
bảo tồn thiên nhiên Kẽ Gỗ có khả năng trở thành các địa chỉ du lịch sinh
thái và du lịch thể thao hấp dẫn.
4. Biển và bãi biển:
Thiên nhiên đã ưu đãi cho Hà Tĩnh 137 km
bờ biển chạy dài từ Cửa Hội (Nghi Xuân) đến chân Đèo Ngang (huyện Kỳ
Anh). Biển Hà Tĩnh có 267 loài cá, thuộc 90 họ, trong đó có 60 loài có
giá trị kinh tế cao, có 20 loại tôm, là một ngư trường lớn và có nhiều
bãi tắm lý tưởng. Ngoài bờ có nhiều đảo, đảo không lớn nhưng không quá
xa bờ, rất tiện lợi cho tàu thuyền neo trú và du khách tham quan.
Dọc bờ biển có 4 cửa sông lớn: Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu là
những Cảng cá hiện nay và trong tương lai gần. Tuy vậy, do kỹ thuật và
phương tiện đánh bắt chưa hiện đại nên hiện nay mới khai thác được trên
dưới 20.000 tấn hải sản/năm.
Diện tích mặt nước lợ trên 6.000 ha, có độ mặn và cấu tương đất rất phù
hợp với nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra, còn có hàng chục ngàn ha đất cát
ven biển rất thuận tiện cho nuôi tôm theo công nghệ mới.
Về du lịch biển, tỉnh đã xây dựng 4 Khu du lịch là Xuân Thành, Thạch
Hải, Thiên Cầm và Đèo Con. Đây là những bãi tắm đẹp, nước trong, cát
mịn, bãi bằng. Cạnh các bãi biển lại có núi, nên tắm biển mà vẫn được
chiêm ngưỡng vẽ đẹp kỳ vỹ hoành tráng của núi non, và cũng chỉ có ở đây
từ trên núi cao mới cảm nhận được sự mênh mông, kỳ diệu và thơ mộng của
biển cả.
5. Về kết cấu hạ tầng kỹ thuật:
- Về điện: Hà Tĩnh nằm trên tuyến đường 500 KV Bắc Nam, đặc biệt có trạm
biến áp 500 KV, hạ áp cho 2 đường 220 KV, và 4 trạm 110 KV tạo thành
mạch vòng, chủ động cấp điện cho các tỉnh Bắc Trung bộ. Đến nay, 100% số
xã trong tỉnh đã có lưới điện Quốc Gia.
- Giao thông vận tải khá thuận lợi:
+ Đường bộ: Quốc lộ 1A chạy dọc tỉnh từ Bến Thuỷ qua huyện Nghi Xuân,
Thị xã Hồng Lĩnh, Thành phố Hà Tĩnh, các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm
Xuyên và Kỳ Anh dài 126 km đã được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng
bằng; Quốc lộ 8A nối Thị xã Hồng Lĩnh với Cửa Khẩu Cầu Treo dài 90 km,
từ đây đi Lào và vùng Đông bắc Thái Lan rất thuận tiện và ngắn hơn so
với các đường bộ khác.
Đường Hồ Chí Minh qua 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang có chiều dài trên 80 km đã được xây dựng.
Quốc lộ 12 nối cảng biển nước sâu Vũng Áng với cửa khẩu Cha Lo và thị xã
Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn (Lào) sang vùng Đông - Bắc Thái Lan đang được
thi công, giai đoạn 1 đầu tư rộng 18 m đang khẩn trương thông tuyến. Đây
là đường nối hành lang Đông - Tây ngắn nhất, đồng thời cũng là điều
kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng vùng đất bao la miền Tây Hà Tĩnh,
Quảng Bình và biên giới Việt Lào.
Hà Tĩnh còn có 28 tuyến Tỉnh lộ với chiều dài 379,2 km, 45 tuyến đường
liên huyện với chiều dài 1.345 km và đường ô tô từ huyện tới 259 xã,
phường, thị trấn với 3.623 km, tạo nên mạng lưới giao thông thuận lợi.
+ Đường sắt: Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa phận Hà Tĩnh dài
71km, khổ đường 1m, có 2 ga hàng hóa Hương Phố và Phúc Trạch; Có 8 ga
khách, trong đó có 2 ga khách chính là Yên Trung và Gia Phố. Đường sắt
Vũng Áng - Thà Khẹt dự kiến được xây dựng cắt tuyến đường sắt Bắc Nam.
+ Hải Cảng: Chính phủ Việt Nam đã có quy hoạch định hướng xây dựng cụm
Cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương với các Cảng tổng hợp và Cảng chuyên
dùng, phục vụ công nghiệp cơ khí, luyện cán thép, đóng và sửa chữa tàu
thuỷ, hoá dầu.
+ Cảng Vũng Áng: Được quy hoạch 27 cầu cảng với lượng hàng hóa bốc xếp
hàng năm là 20 triệu tấn/năm. Kế hoạch đến năm 2010 xây dựng 4 cầu cảng
với tổng chiều dài 995,5m trong đó 2 cầu cảng bách hóa và 2 cầu cảng
Conterner.
· Hiện tại, Cầu cảng số 1 đã đưa vào sử dụng năm 2002, đảm bảo cho tàu
bách hóa có trọng tải đến 3 vạn tấn và tàu chuyên dụng có trọng tải đến
4,5 vạn tấn cập cảng thuận lợi.
· Cầu cảng số 2 với chiều dài 270m, đang tiến hành xây dựng, dự kiến sẽ
đưa vào vận hành trong đầu năm 2008, có thể đón nhận tàu bách hóa 4,5
vạn tấn.
· Cầu cảng số 3 đã lập báo cáo tiền khả thi với các thông số kỹ thuật
tương đương với Cầu cảng số 2, sẽ xây dựng sau khi cầu cảng số 2 đưa vào
vận hành.
+ Cảng Sơn Dương: Được quy hoạch 30 bến với định hướng các chức năng sau:
· Cảng căn cứ dầu khí chiếm khoảng 100ha, năng lực thông qua cảng là 4 triệu tấn/năm, với chiều dài 140m.
· Cảng lọc hóa dầu bố trí 2 bến dầu thô cho tàu trọng tải 150.000 -
200.000 tấn, cách bờ 1,8km và 8 bến xuất dầu sản phẩm ngay trong cảng,
năng lực thông qua cảng là 15 triệu tấn/năm.
· Cảng chuyên dụng thép, gồm 2 bến cho tàu 50.000 - 150.000 tấn đặt cách
bờ 1,6 km để xuất quặng và 8 bến tàu 10.000 - 30.000 tấn xuất sản phẩm
thép và nhập phụ kiện, năng lực thông qua cảng chuyên dụng thép là 10
triệu tấn/năm.
Diện tích khu nước của toàn bộ khu cảng Sơn Dương là 400 ha, chiều dài đê chắn sóng là 7,8km, cao 20m
+ Ở huyện Nghi Xuân phía Bắc Hà Tĩnh có cảng sông Xuân Hải, đủ điều kiện tiếp nhận tàu 2.000 tấn.
6. Con người và văn hoá Hà Tĩnh:
Dù du khách về Hà Tĩnh bằng đường bộ, đường sắt hay đường thuỷ thì cuộc
đi nào cũng đến cội nguồn của các di tích lịch sử văn hoá Hà Tĩnh. Đó là
những làng quê đã sinh ra những con người có tên tuổi lớn, được dân tộc
này lưu danh muôn đời, như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Biểu,
Nguyễn Huy Tự, Đặng Dung, Đặng Tất, Bùi Cầm Hồ…đến Phan Đình Phùng, Trần
Phú, Hà Huy Tập…nối tiếp sau này như Xuân Diệu, Lê Văn Thiêm, Hoàng
Xuân Hãn, Nguyễn Phan Chánh…
Người Hà Tĩnh có đức tính cần cù, chịu khó, ham học. Theo số liệu điều
tra năm 2005, hiện có khoảng 654.622 người trong độ tuổi lao động, trong
đó có khoảng 20% đã được đào tạo. Thạc sỹ, Tiến sỹ có: 150 người; Lao
động có trình độ Đại học trở lên: 9.491 người; Lao động có trình độ
Trung học chuyên nghiệp và Cao Đẳng: 35.930 người; Công nhân kỹ thuật,
nhân viên nghiệp vụ có bằng, chứng chỉ: 16.574 người, trong đó thợ lành
nghề chiếm khoảng 5% - 7 %; Số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học
hàng năm từ 20.000 đến 25.000, là nguồn bổ sung lao động quý giá.
Hà Tĩnh có 1 Trường Đại học và các trường trung học chuyên nghiệp. Hiện
có 28 cơ sở dạy nghề, trong đó: Có 6 Trường dạy nghề, 3 Trường trung học
có đào tạo nghề; 3 Trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm, 2 Trung tâm
dạy nghề tư thục; 2 Trung tâm dịch việc làm có đào tạo nghề; 11 Trung
tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp - Dạy nghề của 9 huyện và 2 thị xã.
Ngoài ra còn có các lớp dạy nghề bên cạnh các doanh nghiệp, các Sở,
ngành, các tổ chức chính trị xã hội với hình thức liên kết gửi học sinh
đi đào tạo tại các trường Trung ương và tỉnh bạn ...
Với nguồn lao động dồi dào, trẻ, trình độ văn hoá khá và hệ thống các
trường dạy nghề hiện có đủ đáp ứng nhu cầu đào tạo công nhân cho các
doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có đội ngũ các nhà khoa học, các nhà quản lý,
những công nhân lành nghề, các thương gia và doanh nhân đang sống và làm
việc ở các tỉnh trong nước, ở nước ngoài luôn luôn hướng về quê hương
với mong muốn xây dựng quê hương giàu đẹp.
Hà Tĩnh còn là tỉnh ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội được
đảm bảo, con người Hà Tĩnh cởi mở, thân thiện, môi trường sinh thái được
quan tâm bảo vệ, bộ máy và các thủ tục hành chính đang được sắp xếp cải
tiến gọn nhẹ… là môi trường đầu tư khá thuận lợi
Theo http://cautreo.gov.vN