I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ – XÃ HỘI
1. Điều kiện tự nhiên:
- Vị trí địa lý: Bến Tre là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên là 2.360 km2,
được hợp thành bởi cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh và do phù sa
của 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ thành (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm
Luông, sông Cổ Chiên). Bến Tre cách thành phố Hồ Chí Minh 86 km, cách
thành phố Cần Thơ 120 km, phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang, phía Tây và
phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, phía Đông giáp biển Đông.
- Khí hậu: tỉnh
Bến Tre nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, với hai
mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến
tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 2.000 đến 2.300 mm,
nhiệt độ trung bình hàng năm từ 260C – 270C. Với
vị trí nằm tiếp giáp biển Đông, nhưng Bến Tre ít chịu ảnh hưởng của bão
lũ, khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm… Đây là điều kiện thuận lợi cho
việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh và du lịch của tỉnh.
2. Tài nguyên thiên nhiên:
- Tài nguyên đất:
Bến Tre là tỉnh có nguồn tài nguyên đất phong phú, với nhiều loại đất
như: đất cát, đất phù sa, đất phèn, đất mặn. Sản xuất nông nghiệp của
tỉnh ngày càng mở rộng, nhu cầu thâm canh, tăng vụ ngày càng được chú
trọng. Hơn 20 năm qua, bằng những nổ lực của mình, nhân dân Bến Tre cũng
như cả vùng đồng bằng Nam Bộ đã tiến hành nhiều công trình tháu chua
rửa mặn, cải tạo đất đai nhằm khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này
có hiệu quả hơn.
- Tài nguyên nước:
tỉnh Bến Tre có 4 con sông lớn chảy qua là: Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông
và Cổ Chiên. Những con sông này giữ một vai trò quan trọng trong đời
sống kinh tế, văn hóa của nhân dân trong tỉnh như: cung cấp nước ngọt
cho sinh hoạt và nông nghiệp, góp phần làm tươi đẹp cảnh quan, điều hòa
khí hậu. Hệ thống sông, rạch trong tỉnh còn là điều kiện thuận lợi cho
Bến Tre phát triển mạng lưới giao thông đường thủy và thủy lợi.
3. Tài nguyên động vật, thực vật:
Nằm
ở giữa môi trường sông và biển, chịu ảnh hưởng của khí hậu gió mùa
nhiệt đới nên cảnh quan tự nhiên của Bến Tre mang đặc trưng của miền địa
lý động vật, thực vật miền Tây Nam Bộ. Những con sông lớn và vùng biển
Đông ở Bến Tre có nhiều loại thủy sản như: cá vược, cá dứa, cá bạc má,
cá thiều, cá mối, cá cơm, nghêu, cua biển và tôm,…đây là nguồn nguyên
liệu vô cùng phong phú cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh
phát triển. Là tỉnh có 3 huyện giáp biển: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú,
rừng phòng hộ ở các huyện đang được bảo vệ nhằm ổn định vành đai rừng
phòng hộ ven biển, thông qua việc trồng mới và quản lý lâm sản xuất nhập
khẩu trên địa bàn tỉnh. Năm 2010, Bến Tre đã trồng mới 72 ha rừng, chăm
sóc 336 ha và bảo vệ 3.461 ha.
4. Đặc điểm kinh tế - xã hội:
- Kinh tế:
+ Bến
Tre là tỉnh có nhiều lợi thế về nguồn lợi thủy sản, với 65 km chiều dài
bờ biển nên thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thủy
sản, tạo ra nguồn tài nguyên biển phong phú với các loại tôm, cua, cá,
mực, nhuyễn thể…Đây còn là vùng đất phù sa trù phú, sản sinh ra vựa lúa
lớn của đồng bằng sông Cửu Long và nhiều loại nông sản mang lại hiệu quả
kinh tế cao.
+ Những
vườn hoa kiểng, cây trái nổi tiếng ở vùng Cái Mơn- Chợ Lách hàng năm
cung ứng cho thị trường nhiều loại trái cây và hàng triệu giống cây
trồng, cây cảnh nổi tiếng. Đặc biệt, Bến Tre- xứ sở dừa Việt
Nam,
nơi có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước khoảng 51.560 ha. Cây dừa
đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, có thể nói là cây
xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, giúp
nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời góp một phần đáng kể vào ngân sách địa phương.
+ Toàn
tỉnh hiện có trên 2.886 doanh nghiệp và hơn 44.000 hộ kinh doanh cá thể
đăng ký hoạt động trên các lĩnh vực. Bến Tre đã hình thành Khu công
nghiệp Giao Long và Khu công nghiệp An Hiệp đưa vào hoạt động thu hút
nhiều dự án đầu tư vào tỉnh. Hiện tỉnh đang tập trung phát triển các
loại hình du lịch sinh thái, sông nước. Trên lĩnh vực sản xuất công
nghiệp phát triển khá ổn định, thương mại- du lịch phong phú, đa dạng
ngày càng sôi động, tạo tiền đề cho bước đột phá tăng trưởng kinh tế của
địa phương trong thời gian tới. Đặc biệt, cống đập Ba Lai, cầu Rạch
Miễu hoàn thành và đưa vào sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra
tương lai phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, đưa Bến Tre
thoát khỏi thế “ốc đảo”, nhanh chóng hòa nhập với các tỉnh đồng bằng
sông Cửu Long, tạo đà phát triển các mặt kinh tế- xã hội và bảo đảm an
ninh quốc phòng cho toàn vùng.
- Xã hội:
+ Dân cư và nguồn lao động: tỉnh
Bến Tre có khoảng 1,255 triệu người với 64,5% dân số trong độ tuổi lao
động. Bên cạnh đó, tỉnh có hai trường Cao đẳng và trên 60 cơ sở dạy
nghề. Hàng năm tỉnh đã đào tạo và giới thiệu việc làm cho khoảng 30.000
lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 36%. Bến Tre hiện có 31
trường trung học với 40.000 học sinh, trong đó có khoảng 12.000 học sinh
trung học phổ thông tốt nghiệp hàng năm và khoảng 3.000 học sinh bước
vào các trường Đại học, Cao đẳng.
5. Cơ sở hạ tầng:
- Giao thông:
+ Đường bộ:
hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh có vị trí đặc biệt trong khu vực
đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Bến Tre nối liền thành phố Hồ Chí
Minh (qua Tiền Giang, Long An) dài 86 km. Quốc lộ 60 nối liền các tỉnh
miền Tây đang được đầu tư nâng cấp, cầu Rạch Miễu đã khánh thành và đưa
vào sử dụng, rút ngắn đáng kể thời gian đến Bến Tre bằng đường bộ. Cầu
Hàm Luông hoàn thành nối liền cù lao Bảo và cù lao Minh, cầu Cổ Chiên
nối Bến Tre với Trà Vinh đang được xây dựng khi hoàn thành sẽ là động
lực phát triển kinh tế của địa phương, gắn kết kinh tế của tỉnh với các
tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để
tiềm năng kinh tế- văn hóa- xã hội của Bến Tre được khơi dậy và phát
triển mạnh mẽ.
+ Đường thủy:
Bến Tre là tỉnh có hệ thống sông ngòi khá phát triển, với 4 con sông
lớn chảy qua. Các con sông có một vị trí quan trọng trong hệ thống giao
thông đường thủy không chỉ của tỉnh mà còn của cả khu vực đồng bằng sông
Cửu Long. Ngoài ra, mạng lưới kênh rạch chằng chịt nối liền nhau đã tạo
thành một mạng lưới giao thông và thủy lợi rất thuận tiện.
- Bưu chính viễn thông:
thời gian qua, Bưu chính viễn thông Bến Tre đã xây dựng cơ sở hạ tầng,
lắp đặt thêm nhiều trạm BTS 2G và 3G; đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng
nhiều dự án hiện đại về công nghệ, mở rộng về dung lượng đảm bảo phục
vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm tới, Bưu chính
viễn thông Bến Tre sẽ tiếp tục có những sách lược, hướng đi phù hợp để
phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, phát triển nguồn nhân lực, tập
trung xây dựng lực lượng cán bộ khoa học có trình độ và năng lực quản
lý, quyết giữ vững vai trò chủ lực trong lĩnh vực bưu chính viễn thông
trên địa bàn tỉnh…
- Cấp thoát nước:
Hệ thống xử lý và cấp nước tập trung đủ cho nhu cầu sinh hoạt của người
dân thành phố và trung tâm các huyện. Hiện tại, Công ty cấp thoát nước
Bến Tre có hai nhà máy ở xã Sơn Đông (thành phố Bến Tre) và xã Hữu Định
(huyện Châu Thành), công suất 32.000 m3/ngày đêm và nhà máy cấp nước Chợ Lách, công suất 1.000 m3/ngày đêm. Với công suất này, hàng năm Công ty cung cấp trên 7 triệu m3 nước cho những hộ dân vùng đô thị và lân cận.
- Điện lực:
những năm gần đây, ngành điện đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng
nhiều công trình trọng điểm như: trạm 220 kV Bến Tre – 2 x 125 MVA đường
dây 220 kV Mỹ Tho – Bến Tre, đường dây 110 kV Mỏ Cày – Chợ Lách, đường
dây 110 kV
Vĩnh Long – Chợ Lách, trạm 110 kV Chợ Lách và dự kiến công trình trạm
110 kV Bình Đại, trạm 110 kV Thạnh Phú, đường dây 110 kV Giồng Trôm –
Bình Đại, Mỏ Cày – Thạnh Phú đưa vào vận hành trong các năm 2012 và
2013.
II. TIỀM NĂNG VÀ CƠ HỘI HỢP TÁC PHÁT TRIỂN
Bến
Tre là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế trong
giao thương như: với một hệ thống sông ngòi chằng chịt rất thuận lợi cho
giao thông đường thủy. Quốc lộ 60 nối liền các tỉnh miền Tây đang được
nâng cấp, cầu Rạch Miễu và cầu Hàm luông đã khánh thành và đưa vào sử
dụng đã rút ngắn đáng kể thời gian đến Bến Tre bằng đường bộ. Năm 2011,
cầu Cổ Chiên đã khởi công xây dựng nối liền Bến Tre và tỉnh
Trà Vinh, đây sẽ là động lực phát triển kinh tế của vùng, là các trục
giao thông quan trọng gắn kết kinh tế của tỉnh với các tỉnh đồng bằng
sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay, tỉnh Bến
Tre có 03 cảng cá, 01 cảng gần khu công nghiệp Giao Long và 01 cảng bốc
xếp hàng hóa trên sông Hàm Luông.
Tỉnh
Bến Tre được chia thành 9 đơn vị hành chính gồm: thành phố Bến Tre và 8
huyện: Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Bình
Đại, Chợ Lách, Thạnh Phú, với 164 xã, phường và thị trấn. Ngày
02/9/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP về việc thành
lập thành phố Bến Tre trực thuộc tỉnh Bến Tre, đây là động lực để thúc
đẩy kinh tế của tỉnh khởi sắc trong thời gian không xa. Về tốc độ tăng
trưởng kinh tế bình quân trên 10%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm
2009 là 790 USD, chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2010 đứng thứ
10/63 tỉnh, thành cả nước.
Nguồn
tài nguyên chủ yếu và quan trọng của tỉnh là tài nguyên đất nông
nghiệp. Năm 2010, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh là
179.672ha, chiếm 76,11% diện tích đất tự nhiên, trong đó diên
tích trồng cây ăn trái là 32.023ha, sản lượng là 318.469 tấn,
diện tích trồng mía là 5.865ha, sản lượng đạt 460.056 tấn, diện
tích trồng cây dừa là 51.560 ha, sản lượng đạt 420 triệu trái/năm
và lớn nhất nước. Từ dừa có thể làm ra nhiều sản phẩm hết sức đa dạng
và phong phú, được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng. Bến Tre
có thế mạnh về kinh tế thủy sản, với 65km chiều dài bờ biển và diện tích
các huyện ven biển nên thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thủy hải
sản, tạo ra nguồn tài nguyên biển phong phú với các loại tôm, cua, cá,
mực, nhuyễn thể hai mảnh vỏ tự nhiên. Năm 2010, sản lượng đánh bắt là
122.608 tấn, sản lượng nuôi trồng 168148 tấn. Lực lượng thương nghiệp
phát triển khá nhanh, toàn tỉnh hiện có 2.886 doanh nghiệp và
44.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động trên các lĩnh vực, thu
hút trên 100.000 ngàn lao động với thu nhập ổn định.
Trong
năm 2010, ngành công nghiệp trên đà phát triển, giá trị sản
xuất công nghiệp đạt 3.710 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp trong
nước đạt 3.359,5 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài đạt 350,5 tỷ đồng, sản phẩm chủ yếu là thuỷ hải sản,
các sản phẩm chế biến từ dừa, thủ công mỹ nghệ. Bến Tre đã
hình thành khu công nghiệp Giao Long và khu công nghiệp An Hiệp đưa vào
hoạt động thu hút được 25 dự án với tổng vốn đầu tư là 283,5 triệu USD,
trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có 14 dự án, vốn
đầu tư trong nước có 11 dự án, đến nay đã có 13 dự án đã đi
vào hoạt động ổn định. 2 Cụm công nghiệp mới hình thành là
Cụm công nghiệp Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm và Cụm công nghiệp
Ba Tri, huyện Ba Tri. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt
15.200 tỷ tăng 21,28% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 175
chợ bao gồm 01 chợ cấp I, 8 chợ cấp II và 166 chợ cấp III và
chợ tạm. Ngoài hệ thống chợ truyền thống, loại hình thương
mại hiện đại cũng đang từng bước hình thành với các dự án:
Trung tâm thương mại Bình Đại, Ba Tri và Châu Thành.
Tổng
kim ngạch xuất khẩu đạt 230 triệu USD, tăng 22,15% so với cùng
kỳ, kim ngạch nhập khẩu đạt 65 triệu USD, tăng 19,46% so với cùng
kỳ, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thuỷ hải sản, hàng may
mặc, các sản phẩm từ dừa, hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ.
Thị trường xuất khẩu của các sản phẩm Bến Tre đã có mặt trên
80 nước và vùng lãnh thổ, trong đó Thị trường châu Á, châu Mỹ,
EU và châu Phi. Tỉnh đang tập trung phát triển các loại hình du lịch
sinh thái, sông nước. Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp phát triển khá
ổn định, thương mại – dịch vụ phong phú, đa dạng ngày càng sôi động, tạo
tiền đề cho bước đột phá tăng trưởng kinh tế của địa phương trong thời
gian tới.
Trong
những năm gần đây, Bến Tre đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi
đầu tư trên các lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt là tỉnh dành
nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với những
lợi thế về giao thương và tiềm năng kinh tế hiện có, Bến Tre
luôn mở rộng vòng tay mời gọi và hân hoan chào đón các nhà
đầu tư trong và ngoài nước đến Bến Tre hợp tác mở rộng giao
thương để cùng phát triển. Sở Công Thương Bến Tre sẳn sản tạo
mọi điều kiện thuận lợi để các đối tác triển khai thực hiện
các dự án có hiệu quả.
III. ĐINH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG THƯƠNG BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
Giai
đoạn 2011 – 2015, ngành Công Thương Bến Tre phấn đấu duy trì tốc
độ tăng trưởng cao và phát triển bền vững; tạo sự chuyển
biến mạnh về chất lượng, hiệu quả, trên cơ sở tập trung mọi
nguồn lực, đẩy mạnh phát triển công nghiệp – thương mại và
dịch vụ, nhằm góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển
nhanh, vững chắc và theo kịp các tỉnh, thành trong cả nước.
Toàn ngành Công Thương phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu cụ thể sau đây:
- Phấn
đấu đến năm 2015 thực hiện giá trị sản xuất công nghiệp đạt
11.290 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), tăng trưởng bình quân
24%/năm;
- Tổng
kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011 – 2015 đạt trên 1.900 triệu
USD, tăng bình quân 20%; đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt 575
triệu USD;
- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm 2015 đạt 37.400 tỷ đồng tăng bình quân 20%/năm.
1. Đối với lĩnh vực Công nghiệp:
- Tập
trung phát triển và nâng cao năng lực công nghiệp chế biến,
nhất là chế biến thuỷ sản, dừa. Tăng cường thu hút các doanh
nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư sản xuất các ngành hàng
có tiềm năng về nguyên liệu và nguồn lao động địa phương như:
chế biến nông sản, trái cây, may mặc, cơ khí dân dụng, công
nghiệp kỹ nghệ cao. Chú trọng đầu tư phát
triển các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm có giá
trị gia tăng phục vụ xuất khẩu. Tập trung kêu gọi đầu tư kết
cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhất là đầu tư hạ tầng
khu công nghiệp Giao Long giai đoạn 2, đầu tư hạ tầng khu công
nghiệp An Hiệp mở rộng, khu công nghiệp Giao Hoà, khu công nghiệp
Thành Thới, khu công nghiệp Thanh Tân… đồng thời tiến hành quy
hoạch lại các cụm công nghiệp của huyện, xây dựng nhà ở cho
công nhân, khu tái định cư.
- Đầu
tư, cải tạo hệ thống mạng lưới điện đảm bảo cung ứng đủ cho hoạt động
sản xuất của các ngành kinh tế và nhu cầu tiêu dùng điện của nhân dân.
- Khuyến
khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nguồn nguyên liệu phục
vụ cho hoạt động sản xuất, mở rộng các hình thức liên kết
với nhà nông như hợp đồng cung ứng sản phẩm, hỗ trợ vốn, kỹ
thuật canh tác, nuôi trồng, hỗ trợ con giống, phương pháp phòng,
trị bệnh… . Tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư
đổi mới và ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất, áp
dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn : ISO, HACCP,
GMP… nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm,
nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
- Chú
trọng việc hỗ trợ các làng nghề mở rộng quy mô hoạt động,
nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị
trường. Đồng thời giúp các làng nghề khai thác các nguồn vốn
hỗ trợ từ quỹ khuyến công quốc gia, quỹ khuyến công địa phương,
quỹ quốc gia giải quyết việc làm, chương trình mục tiêu quốc
gia, vốn khoa học, vốn của chương trình phát triển ngành nghề
nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vốn của
các tổ chức tín dụng và thực hiện các chính sách ưu đãi đầu
tư theo quy định của Chính phủ, địa phương. Khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát
triển các làng nghề. Hàng năm tỉnh, huyện và thành phố cũng
sẽ cân đối ngân sách, bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng nâng
cấp cơ sở hạ tầng cho các làng nghề tập trung như: cầu, đường,
điện, hệ thống cấp, thoát nước… Tổ chức các lớp tập huấn,
bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn để nâng cao kỹ năng quản lý,
nghiệp vụ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, đồng thời
khuyến khích và hỗ trợ việc truyền nghề và đào tạo nghề cho
người lao động.
- Đẩy mạnh công tác khuyến công, thực hiện hỗ trợ về vốn, thị trường, tư vấn về luật pháp, thiết bị, công nghệ cho doanh
nghiệp, cơ sở sản xuất. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp, cơ sở áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đầu tư, đổi mới
thiết bị, cải tiến công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản
phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
2. Đối với lĩnh vực Thương mại:
- Tăng
cường thu hút đầu tư, hiện đại hoá hệ thống phân phối, bán
lẻ, chợ trên địa bàn tỉnh… Huy động các nguồn vốn để đầu tư
mới và nâng cấp chợ đạt chuẩn, xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển
lãm, Trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn các huyện,
thành phố; xây dựng và nhân rộng mô hình cửa hàng tiện lợi,
chuyển đổi và đa dạng hoá mô hình quản lý chợ, thực hiện tốt
cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tham
mưu đề xuất kịp thời các biện pháp điều tiết cung - cầu và bình ổn thị
trường, nhất là đối với các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá;
- Thực
hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; quản lý giá cả
các mặt hàng thiết yếu, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các
hành vi gian lận thương mại, tạo sự bình đẳng trong sản xuất,
kinh doanh;
- Tham
mưu các giải pháp chỉ đạo, điều hành trong công tác xuất khẩu nhằm đạt
chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Khai thác và huy động tối đa các mặt
hàng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh để xuất khẩu, đồng thời
phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu mới có giá trị gia
tăng, hạn chế xuất khẩu các sản phẩm thô. Tăng cường hỗ trợ các
doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh mở rộng thị trường
xuất khẩu, tạo lập uy tín thương hiệu trên thị trường, chủ động
trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
- Triển
khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả công tác
phân tích và dự báo về thị trường đặc biệt là hai mặt hàng chủ lực
của tỉnh là thuỷ sản và dừa nhằm giúp các doanh nghiệp, người dân chủ động trong việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm; tăng cường công tác quảng bá thương hiệu để đảm bảo các thương hiệu đã có được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo http://www.congthuongbentre.gov.vn/home/tong-quan-ve-ben-tre-W29.htm