ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN CỦA VĨNH PHÚC
1. Vị trí địa lý
Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc Vùng Kinh tế
Trọng điểm Bắc Bộ có vị trí địa lý thuận lợi; phía Bắc giáp tỉnh Thái
Nguyên và tỉnh Tuyên Quang, Phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông và
phía Nam giáp Thủ đô Hà Nội. Tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Phúc là Thành phố
Vĩnh Yên, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 50km, cách sân bay quốc tế Nội
Bài 25km, cảng Hải Phòng khoảng 150km và cảng nước sâu Cái Lân khoảng
170km.
Tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính bao gồm: Thành phố Vĩnh Yên, thị
xã Phúc Yên, các huyện: Bình Xuyên, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam
Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc.
Tỉnh có diện tích tự nhiên 1.236,5 km2, dân số năm 2010 là 1.008,3 nghìn người, mật độ dân số 816 người/km2.
Một góc thành phố Vĩnh Yên
Vĩnh Phúc có hệ thống giao thông thuận lợi:
Đường bộ: Có các tuyến Quốc lộ chạy qua như: Quốc lộ 2A ( Hà Nội – Hà
Giang), quốc lộ 2B, quốc lộ 2C; quốc lộ 23…, Đường cao tốc xuyên á Cảng
Cái Lân - Nội Bài – Vĩnh Phúc – Lào Cai – Vân Nam ( Trung Quốc) đã khởi
công xây dựng năm 2009, đi qua tỉnh Vĩnh Phúc trên 40km;
Tuyến Đường sắt: Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam ( Trung Quốc). Hệ thống
giao thông đường bộ, đường sắt là cầu nối giữa tỉnh Vân Nam Trung Quốc
và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội;
Đường thuỷ: Phát triển mạnh trên các tuyến Sông Hồng, Sông Lô ;
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong các năm qua đã
tạo cho Vĩnh Phúc những lợi thế mới về vị trí địa lý, kinh tế; tỉnh đã
trở thành một bộ phận cấu thành của vành đai phát triển công nghiệp các
tỉnh phía Bắc; Đồng thời, sự phát triển các tuyến hành lang giao thông
quốc tế và quốc gia liên quan đã đưa Vĩnh Phúc xích gần hơn với các
trung tâm kinh tế, công nghiệp và những thành phố lớn của Quốc gia và
Quốc tế thuộc hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng;
QL2 Việt Trì - Hà Giang - Trung Quốc; hành lang đường 18 và trong tương
lai là đường vành đai IV thành phố Hà Nội...;Hệ thống hạ tầng giao
thông đối ngoại đã và đang được đầu tư hiện đại là những tuyến chính gắn
kết quan hệ toàn diện của Vĩnh Phúc với các tỉnh khác trong cả Nước và
Quốc tế.
2. Đặc điểm địa hình
Vĩnh Phúc nằm trong vùng chuyển tiếp giữa vùng gò đồi, trung du với vùng
đồng bằng Châu thổ Sông Hồng; bởi vậy, địa hình thấp dần từ Tây Bắc
xuống Đông Nam và chia làm 3 vùng sinh thái: Vùng núi, Trung du và Đồng
bằng:
Vùng núi
: Có diện tích tự nhiên 65.300 ha (đất nông nghiệp:
17.400ha, đất lâm nghiệp 20.300 ha). Vùng này chiếm phần lớn diện tích
huyện Lập Thạch, huyện Sông Lô, huyện Tam Đảo và 4 xã thuộc huyện Bình
Xuyên, 1 xã thuộc thị xã Phúc Yên. Trong vùng có dãy núi Tam Đảo là tài
nguyên du lịch quý giá của tỉnh và của cả nước. Vùng này có địa hình
phức tạp, khó khăn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao
thông.
Vùng Trung du
: Kế tiếp vùng núi, chạy dài từ Tây Bắc xuống Đông
- Nam. Vùng có diện tích tự nhiên khoảng 24.900 ha (đất NN 14.000ha),
chiếm phần lớn diện tích huyện Tam Dương và Bình Xuyên (15 xã), Thành
phố Vĩnh Yên (9 phường, xã), một phần các huyện Lập Thạch và Sông Lô,
thị xã Phúc Yên. Quỹ đất đồi của vùng có thể xây dựng công nghiệp và đô
thị, phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp kết hợp chăn nuôi đại gia
súc. Trong vùng còn có nhiều hồ lớn như Đại Lải, Xạ Hương, Vân Trục,
Liễn Sơn, Đầm Vạc là nguồn cung cấp nước cho hoạt động sản xuất, cải tạo
môi sinh và phát triển du lịch.
Vùng Đồng bằng
: Có diện tích 32.800 ha, gồm các huyện Vĩnh
Tường, Yên Lạc và một phần thị xã Phúc Yên, huyện Tam Dương đất đai bằng
phẳng, thuận tiện cho phát triển cơ sở hạ tầng, các điểm dân cư đô thị
và thích hợp cho sản xuất nông nghiệp.
Sự phân biệt 3 vùng sinh thái rõ rệt là điều kiện thuận lợi cho tỉnh bố trí các loại hình sản xuất đa dạng.
3. Khí hậu, thuỷ văn
Về khí hậu: Tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm.
Nhiệt độ trung bình năm 23,2 - 250C, lượng mưa 1.500 - 1.700 ml; độ ẩm
trung bình 84 - 85%, số giờ nắng trong năm 1.400 - 1.800 giờ. Hướng gió
thịnh hành là hướng Đông - Nam thổi từ tháng 4 đến tháng 9, gió Đông -
Bắc thổi từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau, kèm theo sương muối. Riêng
vùng núi Tam Đảo có kiểu khí hậu quanh năm mát mẻ (nhiệt độ trung bình
180C) cùng với cảnh rừng núi xanh tươi, phù hợp cho phát triển các hoạt
động du lịch, nghỉ ngơi, giải trí.
Thuỷ văn: Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều con sông chảy qua, song chế độ thuỷ
văn phụ thuộc vào 2 sông chính là sông Hồng và sông Lô. Sông Hồng chảy
qua Vĩnh Phúc với chiều dài 50km, đã đem phù sa màu mỡ cho đất đai, song
thời gian nước đầu nguồn tràn về cùng với lượng mưa tập trung dễ gây lũ
lụt ở nhiều vùng (Vĩnh Tường, Yên Lạc). Sông Lô chảy qua Vĩnh Phúc dài
35km.
Hệ thống sông nhỏ như sông Phan, sông Phó Đáy, sông Cà Lồ có mức tác
động thuỷ văn thấp hơn nhiều so với sông Hồng và Sông Lô, nhưng chúng có
ý nghĩa to lớn về thủy lợi. Hệ thống sông này kết hợp với các tuyến
kênh mương chính như kênh Liễn Sơn, kênh Bến Tre...cung cấp nước tưới
cho đồng ruộng, tạo khả năng tiêu úng về mùa mưa. Trên địa bàn tỉnh còn
có hệ thống hồ chứa hàng triệu m3 nước (Đại Lải, Thanh Lanh, Làng Hà,
Đầm Vạc, Xạ Hương, Vân Trục, Đầm Thủy…), tạo nên nguồn dự trữ nước mặt
phong phú đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động kinh tế và dân sinh.
4. Tài nguyên thiên nhiên:
a- Tài nguyên nước:
Nguồn nước mặt
Nguồn nước mặt của tỉnh khá phong phú nhờ hai sông Hồng và Sông Lô cùng
hệ thống các sông nhỏ như: Sông Phó Đáy, sông Phan, sông Cà Lồ và hàng
loạt hồ chứa (Đại Lải, Xạ Hương, Vân Trục, Đầm Vạc, Đầm Dưng, Hồ Thanh
lanh..) dự trữ khối lượng nước khổng lồ, đủ để phục vụ cho sản xuất và
sinh hoạt của nhân dân.
Đầm Vạc Thành phố Vĩnh Yên
Nguồn nước ngầm
Nguồn nước ngầm có trữ lượng không lớn, đạt khoảng 1 triệu m3/ngày-đêm.
Hiện nay nguồn nước ngầm đang được khai thác ở thành phố Vĩnh Yên và thị
xã Phúc Yên với lưu lượng 28.000 m3/ngày đêm nhưng đòi hỏi phải xử lý
tốn kém. Tại một số vùng nông thôn, nhân dân khai thác nước ngầm từ các
giếng khoan (với lưu lượng khoảng 15.000 m3/ngày đêm) nhưng chất lượng
hạn chế.
b- Tài nguyên đất
Trên địa bàn tỉnh có 2 nhóm đất chính là: Đất phù sa và đất đồi núi.
- Đất phù sa
Đất bãi bồi, cồn cát, bãi cát: Có khoảng 127 ha, chiếm 0,09% diện tích
tự nhiên, phân bố ở ven sông, bãi nổi được sử dụng một phần để trồng cây
phân xanh, hoa màu và khai thác cát sỏi.
Đất phù sa sông Hồng được bồi hàng năm, đất trung tính kiềm chủ yếu:
Diện tích vào khoảng 6.167 ha, chiếm 4,89% diện tích tự nhiên, phân bố
chủ yếu ở các xã ngoài đê của các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch
và Sông Lô. Đây là loại đất tốt thích hợp với hầu hết các loại cây trồng
nông nghiệp, nhất là các loại cây trồng ngắn ngày, cho năng suất cao.
Đất phù sa không được bồi hàng năm đất trung tính, ít chua, không glây
hoặc glây yếu: Diện tích khoảng 10.043 ha, phân bố chủ yếu ở các xã
trong đê của huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và phía nam Bình Xuyên. Đất có
địa hình vàn cao, thành phần cơ giới trung bình, phù hợp với sản xuất
nông nghiệp.
Đất phù sa không được bồi trung tính ít chua, [glây trung bình hoặc
glây mạnh] chiếm khoảng 1,58% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố dọc
theo sông Cà Lồ chủ yếu ở các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Bình Xuyên. Đất
có địa hình vàn trũng, thành phần cơ giới trung bình, phù hợp sản xuất 2
vụ lúa.
Đất phù sa mầu nâu nhạt, trung tính ít chua, được bồi hàng năm của sông
Lô: có diện tích khoảng 3.920 ha, phân bố chủ yếu ở các huyện Sông Lô,
Lập Thạch. Đất trung tính, ít chua, có kết cấu viện dạng tơi xốp, giàu
dinh dưỡng, phù hợp với sản xuất cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày,
cần chú ý mùa vụ gieo trồng để tránh ngập nước vào mùa mưa.
Đất phù sa không được bồi có mầu nâu nhạt trung tính, ít chua, không
glây hoặc glây yếu, thành phần cơ giới từ trung bình đến nặng, địa hình
tương đối bằng phẳng chiếm khoảng 2,75% diện tích tự nhiên của tỉnh phù
hợp với các loại cây trồng nông nghiệp.
Đất phù sa không được bồi có màu nâu nhạt, trung tính, glây trung bình
hoặc glây mạnh, địa hình thấp, thành phần cơ giới nặng, độ pH từ 5,0 –
5,5: Có diện tích khoảng 1.020 ha, phân bố ở các huyện Tam Dương, Lập
Thạch, Sông Lô, Vĩnh Tường.
Đất phù sa có diện tích 4.820 ha, chiếm 3,56% diện tích tự nhiên, phân
bố ở các địa hình trũng sát đê, hàng năm bị ngập nước liên tục, thường
có glây cạn, tỷ lệ mùn khá, độ pH từ 5,5 – 6,0; hiện đang được trồng lúa
kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Đất bạc màu trên phù sa cũ: Có diện tích khoảng 6.400 ha, phân bố ở các
huyện Yên Lạc, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Dương. Địa hình thấp trũng,
đất thường chua hoặc rất chua, thành phần cơ giới nặng, đất thích hợp
với cây trồng nông nghiệp nhưng cho năng suất thấp.
Đất bạc màu trên phù sa cũ: Chiếm khoảng 15,49% diện tích tự nhiên, phân
bố ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh, địa hình dốc thoải, lượn sóng,
nghèo dinh dưỡng, bề mặt rời rạc, thành phần cơ giới chủ yếu là cát và
cát pha.
Đất dốc tụ ven đồi núi không bạc màu: Có diện tích 11.230 ha, phân bố
tập trung ở các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Tam Dương, được
hình thành ở ven đồi núi thấp, tạo nên những cánh đồng nhỏ, hẹp dạng bậc
thang.
Đất cát gio: Có diện tích khoảng 300 ha, phân bố tập trung ở Định Trung
(thành phố Vĩnh Yên) và rải rác ở một số xã của huyện Tam Dương. Đất
được hình thành do ảnh hưởng của sản phẩm dốc tụ ven đồi núi, thành phần
cơ giới là cát và cát pha.
Đất phù sa xen giữa vùng đồi núi: Có khoảng 1.208 ha, phân bố ở Lập
Thạch, Sông Lô, Tam Dương, dọc theo ven suối tạo thành những cánh đồng
dài, nhỏ hẹp, độ pH cao, thành phần cơ giới nhẹ, khả năng giữ nước cao,
nhìn chung có khả năng thâm canh tăng vụ trên diện tích này.
Đất lầy thụt: Phân bố chủ yếu ở Sông Lô, Lập Thạch khoảng 900 ha, có
thể trồng 2 vụ lúa trong năm nhưng cần chú ý đến thuỷ lợi để rửa chua,
chống mạch nước ngầm.
Đất đồi núi
Diện tích đất đồi núi của tỉnh chiếm khoảng 1/3 diện tích tự nhiên, gồm các loại đất chính sau:
Đất Feralitic biến đổi do trồng lúa nước không bạc màu: Diện tích khoảng
4.850 ha, tập trung ở phía Bắc các huyện Tam Dương, Bình Xuyên, Lập
Thạch, Sông Lô.
Đất Feralitic màu nâu vàng phát triển trên nền phù sa cổ: Diện tích vào
khoảng 2.300 ha, tập trung chủ yếu ở Lập Thạch, Sông Lô, Vĩnh Yên, Phúc
Yên. Đất thường chua, cấu tượng viên tơi xốp, thành phần cơ giới từ nhẹ
đến trung bình, chủ yếu được trồng hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và
cây lâm nghiệp.
Đất Feralitic đỏ vàng phát triển trên nền phiến thạch Mica: Chiếm khoảng
2,1% diện tích tự nhiên, phân bố ở phía bắc huyện Tam Dương, Bình Xuyên
và rải rác ở một số nơi trong huyện Lập Thạch, đất thích hợp cho phát
triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp.
Đất Feralitic màu vàng hoặc đỏ phát triển trên phiến thạch sét: Có diện
tích khoảng 9.120 ha, phân bố trên địa bàn huyện Lập Thạch, Sông Lô và
rải rác ở các huyện Tam Dương, Bình Xuyên, Phúc Yên. Đây là loại đất
rừng cho năng suất cao, ở những vùng đất dốc dưới 200 thích hợp cho phát
triển cây ăn quả, cây công nghiệp và các loại đặc sản…
Đất Ferealitic vàng đỏ hoặc vàng xám phát triển đá Macma chua: Diện
tích 1.900 ha, phân bố chủ yếu ở Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô và một phần
thị xã Phúc Yên. Đất chua, tầng đất mặt mỏng, thích hợp cho phát triển
lâm nghiệp.
Đất Feralitic vàng đỏ hoặc vàng xám phát triển trên đá sa thạch quăczit
cuội kết, dăm kết: Diện tích khoảng 16.830 ha, phân bố ở Phúc Yên, Lập
Thạch, Sông Lô, Tam Dương và Bình Xuyên, đất bị trơ sỏi đá, cần được
phát triển rừng.
Đất Feralitic trên núi: Diện tích khoảng 10.000 ha, ở độ cao từ 150 –
500m, phân bố ở các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo, nhiều nơi trở
thành đồi núi trọc, cần có kế hoạch khôi phục lại rừng.
Đất Feralitic mùn trên núi: Diện tích nhỏ trên dãy núi Tam Đảo ở độ cao
trên 500m. Ngoài mục đích lâm nghiệp còn có thể ươm cây giống, trồng
cây dược liệu, cây xứ lạnh và rau mùa đông.
Đất Feralitic xói mòn mạnh, trơ sỏi đá: Diện tích khoảng 410 ha, phân bố
dọc theo QL2 từ Phúc Yên đi Vĩnh Yên, chủ yếu là các dải đất dốc thoải.
Cơ cấu đất đai của tỉnh
Tổng diện tích tự nhiên 123.650,05 ha; Đất nông nghiệp: 86.718,73ha,
trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp: 50.365,99ha; Đất lâm nghiệp32.688,66
ha; Đất nuôi trồng thuỷ sản: 3.590,21ha, đất nông nghiệp khác 73,8 ha;
Đất phi nông nghiệp 34.768,7 ha; Đất chưa sử dụng 2.162,54ha
c- Tài nguyên rừng:
Rừng Quốc gia Tam Đảo
Tính đến năm 2009 tỉnh Vĩnh Phúc có
khoảng 32,7 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng sản xuất là 10,8
nghìn ha, rừng phòng hộ là 6,6 nghìn ha và rừng đặc dụng là 15,4 nghìn
ha. Tài nguyên rừng đáng kể nhất của tỉnh là Vườn Quốc gia Tam Đảo với
trên 15 ngàn ha, là nơi bảo tồn nguồn gen động thực vật (có trên 620
loài cây thảo mộc, 165 loài chim thú), trong đó có nhiều loại quý hiếm
được ghi vào sách đỏ như cầy mực, sóc bay, vượn...; Rừng Vĩnh Phúc ngoài
việc bảo tồn nguồn gen động, thực vật còn có vai trò điều hoà nguồn
nước, khí hậu và có thể phục vụ cho phát triển các dịch vụ thăm quan, du
lịch. Chính vì vậy việc khôi phục vốn rừng đã mất, trồng thêm và tái
tạo rừng là một trong những nhiệm vụ cần được quan tâm trong quy hoạch
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong việc duy trì,
bảo vệ môi trường sinh thái.
d- Tài nguyên khoáng sản: Theo đánh giá sơ bộ tài nguyên khoáng sản Vĩnh Phúc có thể phân thành các nhóm sau:
Nhóm khoáng sản nhiên liệu: Gồm than antraxit trữ lượng khoảng một ngàn
tấn ở Đạo Trù (Tam Đảo); than nâu ở các xã Bạch Lưu, Đồng Thịnh (Sông
Lô), trữ lượng khoảng vài ngàn tấn; Than bùn ở Văn Quán (Lập Thạch);
Hoàng Đan, Hoàng Lâu (Tam Dương) có trữ lượng (cấp P2) 693.600 tấn, đã
được khai thác làm phân bón và chất đốt.
Nhóm khoáng sản kim loại: Gồm Barit, đồng, vàng, thiếc, sắt... Các loại
khoáng sản này được phát hiện chủ yếu ở vùng đứt gãy Tam Đảo và rải rác ở
các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên. Nhìn chung, nhóm khoáng sản
này nghèo và cũng chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng nên chúng chưa phục vụ
được cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Nhóm khoáng sản phi kim loại: Nhóm khoáng sản phi kim loại chủ yếu là
cao lanh, nguồn gốc phong hóa từ các loại đá khác nhau, tại đây có
khoảng 3 mỏ và 1 điểm quặng với trữ lượng khoảng 4 triệu tấn, tập trung ở
Tam Dương, Vĩnh Yên, Lập Thạch. Cao lanh của Vĩnh Phúc là nguyên liệu
sản xuất gạch chịu lửa, đồ gốm, sứ, làm chất độn cho sơn, cho cao su,
cho giấy ảnh, giấy in tiền... Các mỏ cao lanh được khai thác từ năm
1965, mỗi năm tiêu thụ hàng ngàn tấn. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 6
mỏ Puzolan, tổng trữ lượng 4,2 triệu tấn.
Nhóm vật liệu xây dựng: Gồm sét gạch ngói khoảng 10 mỏ với tổng trữ
lượng 51,8 triệu m3, sét đồng bằng, sét vùng đồi, sét màu xám đen, xám
nâu, cát sỏi lòng sông và bậc thềm, cát cuội sỏi xây dựng (có 4 mỏ, tổng
trữ lượng 4,75 triệu m3, đá xây dựng và đá ốp lát (granit và riolit) có
3 mỏ với tổng trữ lượng 307 triệu m3, đá ong có 3 mỏ, tổng trữ lượng 49
triệu m3; Fenspat có 1 điểm, chưa đánh giá được trữ lượng.-đ- đ- Tài
nguyên du lịch: Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tự
nhiên và du lịch nhân văn. Trong đó có Tam Đảo là dãy núi hình cánh cung
dài 50 km, rộng 10 km với phong cảnh thiên nhiên đẹp, khí hậu trong
lành, mát mẻ. Đặc biệt có Vườn Quốc gia Tam Đảo và các vùng phụ cận
thuộc loại rừng nguyên sinh có nhiều loài động thực vật được bảo tồn
tương đối nguyên vẹn. Bên cạnh đó Vĩnh Phúc còn có hệ thống sông ngòi,
đầm hồ tương đối phong phú, địa thế đẹp có thể vừa phục vụ sản xuất vừa
có giá trị cho phát triển du lịch như: Đại Lải, Vân Trục, Đầm Vạc, đầm
Dưng, Thanh Lanh... ;Nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và rất
nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm
linh như danh thắng Tây Thiên, Thiền viện chúc lâm, Tháp Bình Sơn, Đền
thờ Trần Nguyên Hãn, Di chỉ Đồng Đậu...
Đường lên Khu du lịch Tam đảo
5. Dân số và nguồn nhân lực
Dân số : Dân số tỉnh Vĩnh Phúc năm 2010
là 1.008,3 ngàn người. Trong đó: dân số nam chiếm khoảng 49,5%, dân số,
nữ chiếm khoảng chiếm 50,5%.
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm gần đây khá
cao, năm 2008 là 14,92‰, năm 2009 là 14,13‰, năm 2010 là 14,1‰.
Trong 5 năm 2006-2010, tỷ lệ đô thị hoá diễn ra tương đối nhanh, tỷ
trọng dân số đô thị đã tăng thêm 8,3%, từ 16,7% năm 2005 lên 22,4% năm
2009 và năm 2010 tỷ lệ này vào khoảng 25%. Tỷ lệ trên cho thấy tỷ lệ đô
thị hóa ở Vĩnh Phúc vẫn còn thấp so với mức bình quân cả nước khoảng
28,1% (năm 2008).
Dự báo dân số: Xuất phát từ điều kiện đặc thù của tỉnh (gần thủ đô Hà
Nội, đầu mối giao lưu với các tỉnh Tây - bắc Bắc Bộ,…), trong những năm
tới cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thực hiện mục tiêu
công nghiệp hoá, ngoài số lượng dân số tăng tự nhiên, dự báo có một
lượng đáng kể lao động ngoài tỉnh đến Vĩnh Phúc làm việc (trong các khu
công nghiệp và các hoạt động kinh tế – xã hội khác ngoài các khu công
nghiệp...). dự báo dân số toàn tỉnh đến năm 2015 là 1.130 ngàn người,
trong đó dân đô thị là 452 ngàn người, dân nông thôn 687 ngàn người, tỷ
lệ đô thị hoá 40%. Nguồn nhân lực: Nguồn lao động của Vĩnh Phúc khá dồi
dào, Dân số trong độ tuổi lao động (từ 16 tuổi đến 60 tuổi đối với nam
và từ 16 tuổi đến 55 tuổi đối với nữ) năm 2010 là 694.930 chiếm tỷ lệ
trên 70% dân số năm 2009; Trong đó chủ yếu là lao động trẻ, có kiến thức
văn hóa và tinh thần sáng tạo để tiếp thu kỹ thuật và công nghệ tiên
tiến. Về chất lượng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm
2010 là 51,2%, năm 2011đạt 54,9%.
Trên địa bàn tỉnh có 78 cơ sở đào tạo, trong đó có 3 trường Đại học, 7
trường cao đẳng, 13 trường trung cấp chuyên nghiệp và 55 cơ sở có tổ
chức dạy nghề (cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tân dạy nghề); quy
mô đào tạo hơn 37.000 học sinh, hàng năm có gần 15.000 học sinh tốt
nghiệp đáp ứng nhu cầu lao động của mọi thành phần kinh tế. Bên cạnh đó,
tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đào tạo
nghề cung ứng cho các doanh nghiệp; Cùng với tốc độ gia tăng dân số,
trong những năm tới lực lượng lao động sẽ tăng đáng kể do dân số bước
vào tuổi lao động ngày càng nhiều. Mỗi năm tỉnh có trên 1 vạn người bước
vào độ tuổi lao động; đây là nguồn nhân lực dồi dào cho phát triển kinh
tế - xã hội nói chung; Đặc biệt là cung cấp và đáp ứng nguồn nhân lực
cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
DANH BẠ DOANH NGHIỆP TỈNH VĨNH PHÚC